*/ Bạn Nguyễn Thị Hảo ở thôn Hạ Vỹ, xã Nhân Chính (Lý Nhân) hỏi: Xin bác sỹ cho biết tác hại của thực phẩm nhiễm bẩn đối với con người?
Trả lời: Nói đến thực phẩm nhiễm bẩn thì trước hết phải nói đến tác nhân gây lên nhiễm bẩn thực phẩm, đó là vi sinh gây bệnh, hoặc độc tố của chúng có thể do hóa chất, chất phóng xạ hay do vật lạ… Bên cạnh đó, biểu hiện tác hại do thực phẩm bẩn còn xuất phát từ chính hành vi của con người… dẫn tới nhiễm độc tiềm ẩn, bệnh mãn tính, bệnh cấp tính, cụ thể:
- Nhiễm độc tiền ẩn: Có thể bị nhiễm liên tục hay không liên tục, hoặc sau một thời gian mới biết, các biểu hiện của nó không giống như cấp tính hay mãn tính nhưng có thể gây lên bệnh tiềm ẩn, như: ung thư, rối loại các chức năng gan, thân, tim mạch…
- Bệnh cấp tính: Thường do ngộ độc thức ăn. Các biểu hiện điển hình như: nôn, rối loại tiêu hóa, vã mồ hôi, run tay chân, hạ huyết áp…
- Bệnh mãn tính: có biểu hiện phát bệnh thường xuyên theo chu kỳ, có thể do di chứng của ngộ độc cấp hoặc do hậu quả của nhiễm độc, có thể trở thành bệnh khó chữa hoặc không chưa được.
- Ngộ độc thức ăn: Do rối loạn tiêu hóa có thể chữa khỏi hoặc tự khỏi (nếu bị nhẹ).
*/ Bạn Trần Quang Hưng ở đội 7, xã Ngọc Lũ (Bình Lục) hỏi: Xin cho biết những biện pháp vệ sinh chủ yếu để phòng nhiễm bẩn thực phẩm?
Trả lời: Những biện pháp vệ sinh chủ yếu để phòng nhiễm bẩn thực phẩm:
- Vệ sinh cá nhân.
- Vệ sinh môi trường.
- Vệ sinh dụng chế biến (dao, thớt…). Khi dụng cụ này đã tiếp xúc với thực phẩm sống thì không để tiếp xúc với thực phẩm chín.
- Vệ sinh dụng cụ ăn uống: bát, đĩa, cốc… phải được rửa sạch.
- Kiểm soát cả quá trình chế biến (làm sạch, tránh nhiễm bẩn)
- Khám sức khỏe định kỳ nhằm loại trừ các bệnh lây lan (ghẻ, lở, mụn) và các bệnh truyền nhiễm khác.
- Tuyên truyền kiến thức về vệ sinh thực phẩm cho người chế biến thực phẩm.
*/ Bạn Lã Thị Hà ở thôn Phú Đa, xã Bối Cầu (Bình Lục) hỏi: Xin cho biết khi chọn thực phẩm thì cần tuân thủ những nguyên tắc nào?
Trả lời: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra 10 nguyên tắc vàng về an toàn vệ sinh thực phẩm như sau:
1: Chọn thực phẩm tươi an toàn. Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn. Thực phẩm đông lạnh để tan đá, rồi làm đông đá lại là kém an toàn.
2: Nấu chín kĩ trước khi ăn. Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn, bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới 70oc.
3: Ăn ngay sau khi nấu. hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì thức ăn càng để lâu càng nguy hiểm.
4: Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60oc hoặc lạnh dưới 10oc. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.
5: Nấu lại thức ăn thật kỹ. Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, nhất thiết phải được đun kĩ lại.
6: Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn. Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm nầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn (như dùng dao, thớt để chế biến thực phẩm chín và sống).
7: Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Nếu bạn bị nhiếm trùng bàn tay, hãy băng kĩ và kín vết thương trước khi chế biến thức ăn.
8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn. Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.
9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác. Giữ thực phẩm trong hộp kín, chặn, tủ kính, lòng bàn. Đó là cách bảo vệ tốt nhất. khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch trước khi dùng lại lần nữa.
10. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn. Nước sạch là nước không màu, không mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi nước trước khi làm đá lạnh để uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu ăn cho trẻ.