Cơm nhà ngon, rẻ
Mặc dù sáng nào cũng bận rộn đi làm và đưa con đến lớp, nhưng chị Nguyễn Thị Lan ở phường Hai Bà Trưng, (TP. Phủ Lý) vẫn luôn tự tay chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả gia đình. Chị Lan vui vẻ: “Nhiều chị em hỏi sao không cho con ăn bên ngoài cho tiện, nấu chi mất công, nhưng tôi thấy tự nấu ăn ở nhà vẫn ngon và bổ dưỡng hơn nhiều, vừa đỡ tốn tiền, lại an toàn cho sức khỏe của cả gia đình". Theo chị Lan, buổi sáng chỉ cần tranh thủ dậy sớm một chút bắc nồi cháo hoặc luộc ít mì... thêm ít tôm, rau củ đã chuẩn bị sẵn. Nếu còn đồ ăn mặn thì sáng đó hâm lại, cắm nồi cơm điện và nấu một tô canh là xong bữa sáng nhanh gọn cho gia đình, cả nhà đều rất thích.
Để tiết kiệm thời gian, Chị Lan chia sẻ thêm kinh nghiệm, mỗi lần đi chợ chị thường mua thức ăn dự trữ cho 3-4 ngày. Nguyên liệu rau củ sơ chế ngay, bảo quản trong tủ lạnh cho tươi ngon, thịt cá mang về chị cũng rửa sạch, chia thành nhiều phần, cất vào hộp hoặc bọc kín bằng bao ni lông, trữ ở ngăn đông tủ lạnh. Nhờ vậy, khi cần nấu món gì đều có sẵn nên rất tiện, nhanh chóng, đỡ tốn thời gian và đảm bảo an toàn...
Cũng thường xuyên duy trì việc nấu ăn cho gia đình, chị Trần Thị Nhung ở xã Liêm Cần (huyện Thanh Liêm) cho biết: Một bữa ăn gia đình đủ chất không nhất thiết cần phải đắt tiền hay nấu ăn cầu kỳ mới ngon. Tôi nghĩ nấu ăn đơn giản nhưng đúng cách, vẫn đảm bảo dưỡng chất và đa dạng khẩu vị. Quan trọng là trách nhiệm, tình cảm của người vợ, người mẹ thể hiện sự quan tâm của mình qua những những bữa ăn tươm tất, có thể chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Đặc biệt, để khỏi băn khoăn khi mỗi lần đi chợ, nấu ăn món gì, tôi thường lên sẵn trước thực đơn, ghi tên những thực phẩm dự định cần mua, thay đổi món ăn cho gia đình để tránh nhàm chán.
Có thể thấy, được ăn uống cùng nhau trong không khí vui vẻ, đầm ấm, yêu thương, khiến tâm lý mọi người cũng cảm thấy thoải mái, gần gũi, ăn ngon miệng hơn. Đặc biệt, đối với nhiều gia đình, bữa ăn ở nhà không chỉ quan trọng đối với sức khỏe, thể chất mà còn là “sợi dây" gắn kết tình cảm những thành viên trong gia đình. Những bữa cơm đoàn tụ cũng là lúc cho các thành viên trong gia đình có cơ hội sẻ chia những khó khăn trong cuộc sống, giúp cho mỗi người hiểu, cảm thông, chia sẻ và gần gũi nhau hơn.
Đảm bảo an toàn và đủ chất
Theo BSCKI. Nguyễn Trung Kiên - Phó trưởng Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm và Dinh dưỡng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật): Một bữa ăn gia đình đủ chất, an toàn và cân đối cần phải có sự phối hợp đầy đủ từ các loại thực phẩm cần thiết theo tỷ lệ thích hợp. Qua đó, cung cấp cho nhu cầu của cơ thể về năng lượng và về các chất dinh dưỡng hợp lý.
Đặc biệt, tùy thuộc vào từng nhóm tuổi, giới tính, thể trạng và sở thích mà mỗi người có những nhu cầu khác nhau, từ đó có thể chọn mua thực phẩm cho thích hợp. Chẳng hạn trẻ em đang lớn, cần ăn nhiều loại thực phẩm để phát triển cơ thể; người lớn đang làm việc, đặc biệt lao động chân tay, cần ăn các thức ăn cung cấp nhiều năng lượng; phụ nữ có thai cần ăn những thực phẩm giàu chất đạm, canxi, phốt pho và chất sắt... bác sỹ Kiên cho biết thêm.
Chúng ta cần chọn đủ thực phẩm của 4 nhóm thức ăn để tạo thành một bữa ăn hoàn chỉnh, cân bằng dinh dưỡng. Những món ăn chính cần có trong bữa ăn: Đó là món chế biến từ các loại rau giúp cung cấp nhiều vitamin, chất khoáng, chất xơ; Món giàu đạm (thịt, cá, trứng, tôm…); Món canh để cung cấp nước và chất bổ dưỡng từ nước rau; Chất bột thường chủ yếu là cơm (hoặc mì, ngô khoai, bún, phở); Món tráng miệng nên có chất ngọt, tốt nhất là hoa quả chín. Khi chế biến, cần đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và nên sử dụng nhiều loại thực phẩm phối hợp để chúng bổ sung và hỗ trợ cung cấp các chất dinh dưỡng an toan, hợp lý.
Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, việc phân chia số bữa ăn trong ngày cũng hết sức quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn và nhu cầu năng lượng cho từng khoảng thời gian, trong lúc làm việc hoặc khi nghỉ ngơi. Vì vậy, các gia đình cần chú ý phân chia, bố trí các bữa ăn trong ngày hợp lí. Bữa sáng: Ngay khi ngủ dậy, bụng đói, nên ăn đủ năng lượng cho lao động, học tập cả buổi sáng. Không ăn sáng sẽ có hại cho sức khỏe vì hệ tiêu hóa phải làm việc không điều độ. Đối với bữa trưa: Sau buổi lao động cần ăn bổ sung đủ chất, nên ăn nhanh để có thời gian nghỉ ngơi và tiếp tục làm việc. Bữa tối: Sau một ngày lao động, cần ăn tăng khối lượng với đủ các món ăn nóng, ngon lành, các loại rau, củ, quả, để bù đắp cho năng lượng bị tiêu hao trong ngày.
Như vậy, chúng ta thấy được bữa cơm trong mỗi gia đình ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt, khi cuộc sống ngày càng khấm khá thì bữa cơm gia đình cũng không còn quá đạm bạc, thay vào đó là việc ăn uống sao cho đủ chất và đảm bảo an toàn thực phẩm là điều quan tâm hàng đầu của người nội trợ. Do đó, bên cạnh việc chế biến đúng cách, nấu chín thức ăn theo khẩu vị, người nội trợ cần tránh mua những thực phẩm đông lạnh lâu ngày hoặc có nguồn gốc hóa chất. Khi mua hàng ở các chợ hoặc siêu thị, cần phải chọn thực phẩm sạch và tươi ngon, có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo tốt sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.