Skip Ribbon Commands
Skip to main content

MỘT SỐ BIỆN PHÁP XỬ TRÍ BAN ĐẦU KHI BỊ NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM

Tin Y tế An toàn thực phẩm  
MỘT SỐ BIỆN PHÁP XỬ TRÍ BAN ĐẦU KHI BỊ NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM
Ngộ độc thực phẩm là hội chứng cấp tính xảy ra do ăn, uống phải thức ăn có chứa chất độc, biểu hiện bằng những triệu chứng dạ dày - ruột, thần kinh hoặc những triệu chứng khác, tuỳ theo tác nhân gây ngộ độc.

        Tùy theo nguyên nhân gây ngộ độc mà người mắc có các triệu chứng khác nhau. Thông thường, các biểu hiện triệu chứng ngộ độc thức ăn là: Buồn nôn và nôn mửa; tiêu chảy, đi tiêu nhiều lần và phân lỏng; nổi mẩn ngứa, mề đay khắp người. Nếu ngộ độc nặng, bệnh nhân có thể bị trụy tim mạch, khó thở dạng hen phế quản.

          Khi có trường hợp nhiễm độc, ngộ độc do thức ăn hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, cần thực hiện một số biện pháp sau:

          1. Đình chỉ việc sử dụng thức ăn đó.

          2. Phải lưu giữ thức ăn khả nghi, chất nôn, chất rửa dạ dày - ruột, nước tiểu, phân... của người bị ngộ độc thực phẩm. Lấy mẫu bệnh phẩm theo quy định gửi về Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật hoặc các viện chuyên ngành để xét nghiệm.

          3. Thông báo ngay với cơ quan y tế nơi gần nhất đến để điều tra, xác minh và kịp thời tổ chức cấp cứu cho người bị ngộ độc thực phẩm.

          4. Xử trí cấp cứu đối với người bị ngộ độc:

          - Gây nôn: Cho ngón tay và họng để kích thích gây nôn.

          - Rửa dạ dày: Rửa dạ dày càng sớm càng tốt, chậm nhất trước 6 giờ kể từ khi sử dụng thực phẩm nhiễm độc. Có thể dùng nước ấm, nước muối sinh lý để rửa.

          - Tẩy ruột: Thời gian ngộ độc sau 6 giờ thì có thể dùng thuốc tẩy magie sulphat, natri sulphat theo hướng dẫn.

          - Truyền dịch để gây bài niệu.

          - Giải độc: Dùng phương pháp hấp thụ chất độc bằng than hoạt, trung hòa chất độc, giải độc theo nguyên nhân gây ngộ độc.

          Khi có biểu hiện của triệu trứng ngộ độc thực phẩm, cần đưa ngay người bị ngộ độc thực phẩm đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử trí.

          Để phòng tránh ngộ độc, người tiêu dùng nên biết cách lựa chọn thực phẩm tươi, mầu sắc đặc trưng, không dập nát. Thực hiện ăn chín, uống chín. Thức ăn nấu chín nên ăn ngay. Thức ăn không ăn hết, cần đun lại rồi mới cất giữ trong tủ lạnh đúng cách. Đun sôi chín kỹ thức ăn trước khi ăn. Loại bỏ những phần nghi là gây độc, như bỏ vỏ sắn, ngâm nước trước khi luộc. Không ăn khoai tây đã mọc mầm, thực phẩm mốc. Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi nấu ăn, sau khi đổ rác, sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến thực phẩm v.v.