Nhân Ngày thế giới không thuốc lá (31/5), Tổ chức Y tế thế giới đã nhấn mạnh những tác hại của thuốc lá gây ra đối với lá phổi: Hơn 40% tất cả các trường hợp tử vong liên quan đến thuốc lá là do ung thư phổi, bệnh hô hấp mạn tính và bệnh lao. WHO đang kêu gọi các quốc gia và các đối tác tăng cường hành động để bảo vệ mọi người khỏi phơi nhiễm với thuốc lá.
“Mỗi năm, thuốc lá giết chết ít nhất 8 triệu người trên toàn thế giới. Hàng triệu người sống với ung thư phổi, bệnh lao, hen suyễn, hoặc bệnh phổi mạn tính do thuốc lá" - Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus-Giám đốc WHO nói.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cho biết: Lá phổi khỏe mạnh là điều cần thiết để sống một cuộc sống khỏe mạnh. Hôm nay và mỗi ngày bạn có thể bảo vệ lá phổi của mình, bảo vệ những người bạn, và gia đình của bạn bằng cách nói không với thuốc lá.
Tăng thuế thuốc lá, thực hiện môi trường không khói thuốc
WHO kêu gọi các nước chống lại nạn dịch thuốc lá thông qua việc thực hiện đầy đủ công ước WHO khung về kiểm soát thuốc lá (WHO FCTC) và thực thi các hành động kiểm soát thuốc lá hiệu quả. Bao gồm các khuyến cáo của WHO về gói các biện pháp chính sách “MPOWER", ví dụ như giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá thông qua tăng thuế, thực hiện môi trường không khói thuốc và hỗ trợ cai nghiện.
WHO cũng khuyến khích cha mẹ và các nhà lãnh đạo cộng đồng thực hiện các bước để bảo vệ sức khỏe của gia đình và cộng đồng của họ, bằng cách thông báo về tác hại của thuốc lá và bảo vệ người thân và cộng đồng khỏi những tác hại do thuốc lá gây ra.
Tác hại không ngờ của thuốc lá lên lá phổi
Theo các chuyên gia y tế, phơi nhiễm với khói thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe lá phổi của mọi người trên khắp thế giới bởi gây ra các vấn đề sau:
Ung thư phổi: Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi, chịu trách nhiệm cho hơn hai phần ba số ca tử vong do ung thư phổi trên toàn cầu. Tiếp xúc với khói thuốc tại nhà hoặc tại nơi làm việc cũng làm tăng nguy cơ gây ung thư phổi. Bỏ hút thuốc có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi: Sau 10 năm bỏ hút thuốc, nguy cơ ung thư phổi giảm xuống còn một nửa so với người hút thuốc.
Bệnh hô hấp mạn tính: Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), một tình trạng tích tụ chất nhầy chứa đầy mủ trong phổi dẫn đến ho đau và khó thở. Nguy cơ phát triển COPD đặc biệt cao ở những người bắt đầu hút thuốc khi còn trẻ và những người tiếp xúc với khói thuốc thụ động, vì khói thuốc lá làm chậm đáng kể sự phát triển của phổi. Thuốc lá cũng làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn, điều này hạn chế hoạt động và góp phần gây ra khuyết tật. Ngừng hút thuốc sớm là phương pháp điều trị hiệu quả nhất để làm chậm sự tiến triển của COPD và cải thiện các triệu chứng hen suyễn.
Ảnh hưởng suốt cuộc đời: Thai nhi tiếp xúc với độc tố từ khói thuốc lá, thông qua việc hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động của mẹ, thường xuyên bị giảm sự phát triển và chức năng của phổi. Trẻ nhỏ tiếp xúc với khói thuốc thụ động có nguy cơ khởi phát và làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn, viêm phổi, viêm phế quản và thường xuyên mắc nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Những người hút thuốc nên đảm bảo họ không bao giờ hút thuốc khi có trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ.
Lao phổi: Bệnh lao (TB) gây hại cho phổi và làm giảm chức năng của phổi, điều này càng trở nên trầm trọng hơn do hút thuốc lá. Khoảng một phần tư dân số thế giới có bệnh lao tiềm ẩn, khiến họ có nguy cơ mắc bệnh. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh lao cao gấp đôi. Lao phổi hoạt động được kết hợp với các tác động gây hại sức khỏe phổi do hút thuốc lá, làm tăng đáng kể nguy cơ khuyết tật và tử vong do suy hô hấp. Những người mắc bệnh lao nên thực hiện các bước ngay lập tức để từ bỏ thuốc lá, qua đó sẽ giúpphác độ điều trị bệnh lao của họ có hiệu quả.
Ô nhiễm không khí: Khói thuốc lá là một dạng ô nhiễm không khí trong nhà nguy hiểm: Nó chứa hơn 70 00 hóa chất, trong đó có 69 chất được biết là gây ung thư. Mặc dù khói thuốc có thể vô hình và không mùi, nhưng nó có thể tồn tại trong không khí tới năm giờ.
Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững nhằm giảm 1/3 tỉ lệ tử vong sớm trong việc phòng chống các bệnh không lây nhiễm vào năm 2030, kiểm soát thuốc lá phải là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và cộng đồng trên thế giới.