Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Để đái tháo đường thai kỳ không còn là nỗi lo

Tin Y tế Chuyên mục phòng chống bệnh không lây nhiễm  
Để đái tháo đường thai kỳ không còn là nỗi lo
Hiện nay, rất nhiều thai phụ mắc các bệnh lý kết hợp, trong đó đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là bệnh lý nội khoa thường gặp nhất khi có thai. Theo thống kê của Hiệp hội Sản phụ khoa Thế giới (FIGO, 2015), tỷ lệ mắc ĐTĐTK ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 16% trên tổng số các bà mẹ mang thai. ĐTĐTK có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Thai phụ mất con vì chủ quan do ĐTĐTK

Chị Trần Thị Hồng Thơm (35 tuổi, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý) mang thai lần 2, tiền sử gia đình có cha bị tiểu đường. Qua quá trình khám thai định kỳ từ tuần thứ 20 đến tuần 24, chị Thơm gặp phải tình trạng tăng cân đột ngột với trọng lượng khoảng 4kg mỗi tháng. Chị vội vàng đến bệnh viện kiểm tra và được bác sỹ chỉ định xét nghiệm tầm soát thì phát hiện tình trạng đường huyết cao bất thường. “Nhờ tuân thủ chỉ định điều trị và chế độ ăn uống phù hợp theo thực đơn của bác sỹ, đường huyết của tôi sớm trở về ngưỡng bình thường, cuộc vượt cạn của hai mẹ con diễn ra thuận lợi" - chị Thơm vui mừng kể.

Không được may mắn như chị Thơm. Dù đã gần 5 tháng trôi qua nhưng chị Nguyễn Thu Thủy (23 tuổi, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên) vẫn chưa hết nguôi ngoai, vì nỗi đau xé lòng khi đứa con 35 tuần tuổi trong bụng mất mà chưa cất tiếng khóc chào đời.

Trong gia đình, mẹ chị Thủy bị tiểu đường, nên khi mang thai ở tuần thứ 12 chị được bạn bè, người thân khuyên nên đến bệnh viện khám. Tại đây, chị được bác sỹ cho thử đường huyết thì nói chị bình thường. Đến tuần thứ 24, chị trở lại bệnh viện khám thai, các bác sỹ chỉ định thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose để tầm soát, qua đó phát hiện chị bị ĐTĐTK. Giọng trầm buồn, đôi mắt đỏ hoe, chị Thủy nhớ lại chuyện cũ: “Được bác sỹ cảnh báo nguy hiểm và đề nghị đến ngay chuyên khoa nội tiết để điều chỉnh lượng đường. Tuy nhiên, do chủ quan nên tôi đã không điều trị. Khi thai được khoảng 35 tuần, cơ thể có những biểu hiện bất thường, tôi quay lại bệnh viện thì mọi chuyện đã muộn".

Qua kết quả kiểm tra, bác sỹ phát hiện chị Thủy bị đa ối, thai to với những diễn tiến rất nặng của ĐTĐ thai kỳ, đe dọa trực tiếp đến sinh mạng bệnh nhi. Ngay lập tức, bác sỹ chỉ định sử dụng Insulin đường tiêm để điều chỉnh lượng đường. Tuy nhiên, giải pháp hỗ trợ không mang lại kết quả, chị Thủy không còn cảm nhận được độ máy của thai, kết quả siêu âm cho thấy thai đã bị chết lưu. Các bác sỹ phải nhanh chóng thực hiện phẫu thuật lấy thai lưu, tránh những diễn biến nguy hiểm đến người mẹ.

Bệnh thường gặp và nguy hiểm

Hiện nay, ĐTĐ đang gia tăng nhanh do lối sống ít vận động và tiêu thụ nhiều thức ăn giàu năng lượng như đường, tinh bột và chất béo. Ngoài những trường hợp ĐTĐ mạn tính thì ĐTĐTK đang là vấn đề rất đáng lo ngại, đe dọa đến sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Sở dĩ phụ nữ mang thai thường xuất hiện ĐTĐTK là do sự thay đổi nội tiết của cơ thể mẹ trong thai kỳ đưa đến tăng đề kháng với Insulin, làm cơ thể không thể điều chỉnh được lượng đường trong máu. BsCKI Ngô Xuân Thiêm - Phó trưởng Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: “Khi bị ĐTĐTK, người mang thai tăng cân quá mức, trên 2kg mỗi tháng rất dễ gây béo phì; nguy cơ gặp tình trạng đa ối tăng khả năng sảy thai và sinh non; tăng nguy cơ cao huyết áp, tiền sản giật, sản giật gấp 4 lần. Đặc biệt, khi vượt cạn, quá trình chuyển dạ kéo dài, sẽ gây sinh khó, tăng nguy cơ sang chấn và băng huyết sau sinh…".

Cũng theo bác sỹ Thiêm, bệnh lý ĐTĐTK trở nên nguy hiểm hơn với thai nhi, gia tăng tỉ lệ dị tật thai nếu mẹ bị ĐTĐ từ trước khi có thai nhưng không được điều trị đúng cách. Thai nhi dễ bị rối loạn tăng trưởng (hoặc quá to, hoặc quá nhỏ). Thai to gây sinh khó và nguy cơ sang chấn lúc sinh, như: trật khớp vai, gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay. Thai nhi có thể bị chết lưu đột ngột do đường huyết tăng quá cao. Tỷ lệ tử vong chu sinh tăng gấp 2 đến 5 lần so với bình thường. Trẻ sơ sinh dễ bị suy hô hấp do phổi chậm trưởng thành khi có tình trạng tăng đề kháng với Insulin; trẻ cũng dễ bị hạ đường huyết, hạ calci, vàng da nặng và có thể hôn mê. Khi lớn trẻ dễ bị béo phì, ĐTĐ, cao huyết áp.

 

Phụ nữ có thai nên tầm soát ĐTĐTK

Để tránh nguy hiểm xảy đến trong thai kỳ, bác sỹ Thiêm cho biết thêm: “Các thai phụ nên đăng ký khám thai định kỳ và theo dõi các chỉ số chỉ số sức khỏe định kỳ tại bệnh viện chuyên khoa để được bác sỹ tư vấn và quản lý thai kỳ. Đồng thời, việc tầm soát ĐTĐTK là đặc biệt quan trọng. Tất cả phụ nữ có thai từ tuần 16 đến tuần 28 đều nên thực hiện xét nghiệm tầm soát ĐTĐTK. Nếu thai phụ có yếu tố nguy cơ cần thực hiện xét nghiệm tầm soát ở lần khám thai đầu tiên. Nếu kết quả xét nghiệm bình thường, vẫn phải thực hiện lại xét nghiệm vào tuần thứ 24 đến tuần thứ 28 của thai kỳ. Khi có dấu hiệu bất thường, các sản phụ cần nhập viện sớm để được theo dõi và xử trí kịp thời".

Bác sỹ Ngô Xuân Thiêm cũng khuyến cáo, những trường hợp đang mang thai được chẩn đoán bị ĐTĐ cần tuân thủ nguyên tắc của chế độ ăn tiết chế gồm: ăn nhiều bữa trong ngày để không làm tăng đường huyết máu cũng như bị hạ đường huyết quá nhanh lúc xa bữa ăn (2 đến 3 bữa chính và 2 đến 3 bữa phụ); tránh ăn ngọt, khẩu phần ăn cần giàu chất xơ, ít chất béo bão hòa; dùng hỗ trợ đa sinh tố theo chỉ định của bác sỹ. Thực hiện nguyên tắc 1 phần 4 trong khẩu phần ăn (1 phần tinh bột, 1 phần đạm, 2 phần rau củ). Bên cạnh đó, thai phụ cần tập yoga, đi bộ vận động nhẹ nhàng. Với những trường hợp bệnh nặng, ngoài tuân thủ khẩu phần ăn theo chế độ trên, thai phụ phải tuân thủ chỉ định điều trị, chích thuốc hỗ trợ của bác sỹ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.​