Skip Ribbon Commands
Skip to main content

CÁCH PHÁT HIỆN VÀ PHÒNG, CHỐNG BƯỚU CỔ

Tin Y tế Chuyên mục phòng chống bệnh không lây nhiễm  
CÁCH PHÁT HIỆN VÀ PHÒNG, CHỐNG BƯỚU CỔ
Bệnh bướu cổ, hay còn gọi là bướu giáp, thực chất là tên gọi tập hợp của rất nhiều bệnh tuyến giáp khác nhau. Tuyến giáp trạng là một tuyến nội tiết quan trọng, giúp điều hòa nhiều hoạt động sinh trưởng và phát triển của cơ thể. Khi chức năng tuyến giáp bị rối loạn, có thể gây ra các bệnh cường tuyến giáp trạng, suy tuyến giáp trạng…

*Bướu giáp đơn thuần: Là bướu giáp lan tỏa có chức năng tuyến giáp bình thường.

Nguyên nhân: Thiếu hụt I ốt do nhiều nguyên nhân khác nhau:

+ Trong vùng thiếu I ốt;

+ Rối loạn bẩm sinh, rối loạn này có tính chất gia đình.

+ Do dùng thuốc và chế độ ăn uống: Như dùng kéo dài một số loại thuốc như muối Lithium (dùng trong chuyên khoa tâm thần), thuốc kháng giáp tổng hợp, thuốc có chứa I ốt, như thuốc cản quang, thuốc trị hen, thấp khớp… Do ăn nhiều thức ăn ức chế tổng hợp hormone giáp như các loại rau họ cải, măng, sắn…

Bệnh ít khi biến chứng thành ác tính, một số ít có thể biến thành cường giáp-Basedow.

Cách phát hiện: Bướu giáp đơn thuần thường khó phát hiện vì không có nhiều triệu chứng rõ ràng. Ngoài một số biểu hiện như cổ to ra, một số bệnh nhân có cảm giác nghèn nghẹn ở cổ, hoặc đi khám sức khỏe mới phát hiện được bệnh.

  Cách phòng chống:

+ Ăn muối I ốt và một số thức ăn có nhiều I ốt, như hải sản, trứng, sữa…
+ Không dùng kéo dài các thuốc, thức ăn ức chế hấp thu I ốt, sản xuất hormone  đã nêu trên.

 * Cường giáp: Bệnh cường giáp là tình trạng hoạt động quá mức của tuyến giáp làm gia tăng sản xuất hormon tuyến giáp T3 và T4 vào máu gây ra những rối loạn chuyển hóa của cơ thể.

Thường gặp nhất là bướu giáp lan tỏa nhiễm độc hormone giáp, còn gọi là bệnh Basedow, ít gặp hơn là bướu giáp nhân nhiễm độc hormone giáp còn gọi là nhân độc tuyến giáp hay là bệnh Plummer. Bệnh thường gặp ở nữ. Bệnh làm cơ thể suy yếu nhanh chóng gây nhiều biến chứng nguy hiểm, nhất là biến chứng tim mạch.

Nguyên nhân:

+ Nguyên nhân tự miễn: Biểu hiện bởi bệnh Basedow. Trong bệnh này xuất hiện các kháng thể kích thích tế bào tuyến giáp tăng sản xuất T3 và T4 gây cường giáp.

+ Nguyên nhân tại tuyến giáp: Một phần mô của tuyến giáp tăng hoạt động do mất sự kiểm soát của tuyến yên làm tăng sản xuất hormon tuyến giáp.

+ Rối loạn nội tiết thời kỳ thai nghén, dậy thì, tiền mãn kinh…

+ Nhiễm khuẩn, phơi nắng quá nhiều.

+ Yếu tố gia đình.

- Cách phát hiện: Người bị cường giáp thường có biểu hiện hồi hộp, tim đập nhanh, thay đổi tính nết, dễ cáu gắt, sút cân nhiều không rõ nguyên nhân, mắt lồi, tuyến giáp to…

- Phòng tránh: Tránh những nguyên nhân gây bệnh nêu trên, giữ chế độ ăn uống, lao động, học tập, nghỉ ngơi hợp lý, đời sống tinh thần thoải mái.

* Bướu giáp nhân:

Là bướu phát sinh cục bộ từ một phần hoặc rải rác nhiều phần của tuyến giáp, đôi khi gặp bướu hỗn hợp. Bướu nang tuyến giáp cũng được xếp vào dạng bướu nhân  còn gọi là nhân lỏng, nhân lạnh tuyến giáp. Đa số bướu giáp nhân có chức năng bình thường hoặc giảm. Một số ít nhân giáp có cường chức năng tuyến giáp gọi là nhân nóng. Trong số bướu giáp nhân có một tỷ lệ nhỏ là ung thư và biến chứng thành ung thư.

Nguyên nhân:

+ Chủ yếu là do những biến động tại chỗ như chấn thương, nhiễm khuẩn, mạch máu, chiếu xạ…

+ Toàn thân liên quan đến rối loạn nội tiết, dùng hoặc ăn phải hóa chất, thuốc độc hại…

Cách phát hiện các triệu chứng chính:

+ Vùng cổ có một hoặc nhiều cục bất thường di động theo nhịp nuốt.

 + Cảm giác nghẹn, tức ở cổ, nhất là khi nuốt.

+ Một số bệnh nhân có biểu hiện nhược giáp: mệt mỏi, đau cơ, táo bón, rụng tóc, nói khàn, chán ăn, giảm trí nhớ.

+ Nhân nóng có các triệu chứng cường giáp giống như bệnh Basedow…

  Những trường hợp nghi ngờ phải đến các Trung tâm Y tế, các Bệnh viện chuyên khoa để khám.