Đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức, cơ cấu lại và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ theo chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đẩy mạnh tiến độ xây dựng, hoàn thiện danh mục và bản mô tả vị trí việc làm cán bộ, công chức để hoàn thiện sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, tinh giản biên chế và thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Đôn đốc, kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương rà soát, thực hiện nghiêm quy định về số lượng cấp phó tại các cơ quan, đơn vị; tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức đúng với năng lực, tiêu chuẩn của vị trí việc làm đã được phê duyệt.
Thực hiện thí điểm phương án sáp nhập cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; sắp xếp, đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là ngành giáo dục, y tế đảm bảo đủ khả năng cung cấp các dịch vụ công thiết yếu cho xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh xã hội hóa gắn với tinh giản biên chế trên cơ sở tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương, các Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục; có phương án, lộ trình bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức và giải quyết chế độ, chính sách cho những người dôi dư sau khi tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những sai phạm trong thực thi công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp; hoàn thiện các quy định về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành; trong thi tuyển, thi nâng ngạch công chức, viên chức bảo đảm công khai, minh bạch; tăng cường khả năng kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin giữa Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách mới về lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.
Quyết định cũng nếu một số nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2020 của Bộ Nội vụ, như: Về thực hiện cải cách hành chính, xây dựng Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; quán triệt thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình cải cách hành chính; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cải cách hành chính về nội dung, như: sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; triển khai quy định về tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính…
Ngoài ra, đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; tham mưu giúp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ triển khai có hiệu quả các kế hoạch hoạt động và kế hoạch kiểm tra cải cách hành chính năm 2020’ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan triển khai xác định và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020; tích cực rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, nhất là các thủ tục liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Về tổ chức bộ máy và biên chế, tập trung hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; các quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng chính sách quản lý biên chế gắn với vị trí việc làm; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện danh mục và bản mô tả vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính từ Trung ương đến địa phương và các đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, tinh giản biên chế và cải cách chính sách tiền lương.
Đồng thời, tiếp tục tham mưu thực hiện đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực; đánh giá lại mô hình cấp tổng cục, đề xuất phương án sấp xếp lại cho phù hợp theo hướng giảm cấp trung gian; kiểm soát chặt chẽ số lượng cấp phó trong tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có năng lực tự chủ, hoạt động hiệu quả, hiệu lực; tăng cường giám sát hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ; kiểm soát việc thực hiện tinh giản biên chế, đặc biệt là ngành giáo dục và y tế theo quy định của Đảng và của pháp luật.
Về xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tập trung hoàn thiện chính sách về quản lý cán bộ, công chức, viên chức hướng dẫn thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; triển khai Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài; đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý để có cơ sở tổng kết, đánh giá; rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách đối với cán bộ, công chức theo hướng khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm trong tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ không đúng quy định, kịp thời thay thế cán bộ, công chức, viên chức tham nhũng, lãng phí, không đủ điều kiện về đạo đức, năng lực, trình độ. Phối hợp với các cơ quan liên quan trong hệ thống chính trị đẩy mạnh dân chủ hóa công tác cán bộ, quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi tổ chức, mỗi cấp trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.
Về xây dựng chính quyền địa phương, địa giới hành chính, tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật về quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân. Trình cấp có thẩm quyền về phân định địa giới hành chính giữa các địa phương; phân định ranh giới quản lý hành chính biển, đảo giữa các địa phương có biển đảo. Hoàn thành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 để các địa phương tổ chức Đại hội Đảng các cấp bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục; xây dựng phương án, lộ trình bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức và bảo đảm quyền lợi cho cán bộ dôi dư sau khi sắp xếp, sáp nhập. Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo luật định; sắp xếp, điều chỉnh, thành lập mới và phân loại đơn vị hành chính các cấp theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về chính sách tiền lương, tập trung xây dựng Nghị định quy định mức lương cơ sở năm 2020 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và Thông tư hướng dẫn. Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Phối hợp với Ban TỔ chức Trung ương tổng hợp, rà soát các chức danh, chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và xây dựng bảng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về vị trí việc làm và các tiêu chính đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức gắn với từng vị trí việc làm; hoàn thiện việc xây dựng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành để thực hiện từ năm 2021 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 107/NQ-CP của Chính phủ.
Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, tiếp tục hoàn thiện các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; triển khai Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2025; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức; triển khai Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030; Đề án chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2020. Đa dạng, linh hoạt các hình thức đào tạo, bồi dưỡng; tập trung, bán tập trung, bồi dưỡng theo hình thức học trực tuyến, các bài giảng điện tử có thể kết nối với trang website của các cơ sở đào tạo theo quy định; xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo theo quy định; xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có trình độ chuyên môn phù hợp, có kinh nghiệm quản lý và hoạt động công vụ thực tiễn.
Về tín ngưỡng tôn giáo, tiếp tục triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; triển khai quy chế phối hợp giữa Bộ Nội vụ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác quản lý nhà nước đối với tín ngưỡng theo luật Tín ngưỡng, tôn giáo; phối hợp với các Bộ, ban, ngành và địa phương xử lý, giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; chủ động đối với với các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động bình thường theo đúng chính sách và pháp luật của Nhà nước; giải quyết các nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của chức sắc, tín đồ theo pháp luật; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể quần chúng tổ chức các chương trình hoạt động thu hút quần chúng tín đồ, chức sắc, nhà tu hành tham gia phong trào thi đua yêu nước, xây dựng phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”.
Về thi đua, khen thưởng, tập trung hoạt thiện dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) để trình Quốc hội khóa XIV vào kỳ họp thứ 9; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án tổ chức Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI và tham mưu tổ chức thành công Đại hội.
Triển khai thực hiện hiệu quản chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thu đua, khen thưởng; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức phát động, triển khai các phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trọng tâm là các phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, tuyên truyền, phát hiện, giới thiệu, biểu dương, tôn vinh gương “Người tốt, việc tốt”, các mô hình mới, nhân tố mới, cách làm hay, hiệu quả để biểu dương, tôn vinh, nhân rộng, tạo sức lan tỏa.
Về công tác văn thư, lưu trữ nhà nước, tiếp tục hoàn thiện thể chế về văn thư, lưu trữ, bảo đảm quản lý nhà nước về văn thư lưu trữ đi vào nền nếp; tiến hành tổng kết thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011 đến nay để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; tiếp tục triển khai Đề án “Nghiên cứu việc sử dụng giấy và mực bền lâu để in văn bản, tài liệu quan trọng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước”; xây dựng Đề án “Bảo hiểm tài liệu lưu trữ quốc gia giai đoạn 2021 - 2026”. Đẩy mạnh thực hiện công tác phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia; nghiên cứu, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ; tổ chức thực hiện lưu trữ điện tử trong các cơ quan nhà nước; lập bản sao bảo hiểm tài liệu lưu trữ quốc gia; thực hiện sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam.
Đối với công tác quản lý hội, quỹ và tổ chức phi chính phủ, tiếp tục hoàn thiện chính sách về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, quỹ; xây dựng Đề án đánh giá về tổ chức, hoạt động của các hội và giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về hội sau cấp phép trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra công tác hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện năm 2020, bảo đảm việc cho phép thành lập hội, quỹ, cho phép tổ chức đại hội và phê duyệt, công nhận điều lệ hội, quỹ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức làm công tác hội và những người làm việc tại hội; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hội, tổ chức phi chính phủ, tạo điều kiện để các tổ chức này hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, điều lệ và quy định của pháp luật, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự của đất nước.
Đối với công tác thanh niên, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XIV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 và các văn bản hướng dẫn chi tiết sau khi Luật có hiệu lực. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; tổ chức triển khai Thông tư quy định chế độ báo cáo thống kê về thanh niên Việt Nam; tiếp tục triển khai thực hiện chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trình cấp có thẩm quyền theo quy định; hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 98/2014/NĐ-CP ngày 24/10/2014 quy định thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; xây dựng trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới; tổ chức tổng kết 5 năm triển khai Đề án thực hiện biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020; tổng kết việc thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Nội vụ giai đoạn 2011 - 2020.
Về công tác thanh tra, kiểm tra ngành Nội vụ, phấn đấu hoàn thành 100% các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch năm 2020 (dự kiến thực hiện 15 cuộc thanh tra theo kế hoạch) và thanh tra đột xuất (nếu có). Chủ động nắm bắt tình hình của Bộ, ngành, địa phương để kịp thời thanh tra, xử lý các vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ. Thực hiện tốt việc hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành Nội vụ đối với Thanh tra Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, rà soát, sửa đổi các bất cập, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và khả thi của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành Nội vụ; theo dõi, đôn đốc, báo cáo tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Nội vụ theo Chương trình công tác đã ban hành; đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn xử lý văn bản trái pháp luật, đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc lĩnh vực Nội vụ.
Cũng theo Chương trình công tác, Bộ Nội vụ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các sự kiện chính trị - thời sự quan trọng của Đảng, Nhà nước và đất nước trong năm 2020 và các năm tiếp theo, đặc biệt là các sự kiện liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ, ngành Nội vụ. Có kế hoạch thông tin, tuyên truyền về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ của Bộ và ngành Nội vụ để cung cấp thông tin, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân đối với các quy định, chính sách mới ban hành; đồng thời, tăng cường công tác truyền thông để truyền tải các quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Nội vụ tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân để nắm bắt, tổ chức triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, tập trung triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Nội vụ; triển khai Đề án Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước; Đề án xây dựng và triển khai thẻ công chức điện tử; đẩy mạnh thực hiện tiếp nhận thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa của Bộ Nội vụ để tạo điều kiện thuận lợi phục vụ công dân, tổ chức và doanh nghiệp; tăng cường khả năng kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin giữa Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành, địa phương…