Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Vẫn xảy ra tình trạng lợi dụng kẽ hở cơ chế, chính sách để nhũng nhiễu, vụ lợi!

Tin về cải cách hành chính  
Vẫn xảy ra tình trạng lợi dụng kẽ hở cơ chế, chính sách để nhũng nhiễu, vụ lợi!
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong một số trường hợp hiệu quả còn thấp. Việc tuyên truyền, giáo dục thông qua thực hiện trách nhiệm nêu gương trong nhiều trường hợp còn chưa phát huy hiệu quả vì vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên nói không đi đôi với làm, thiếu gương mẫu, có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.
Việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát xung đột lợi ích; thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ… tiếp tục được quan tâm. Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; trung tâm hành chính công đã góp phần cắt giảm đáng kể thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cũng như hạn chế việc tiếp xúc giữa cán bộ, công chức với người dân, doanh nghiệp, là điều kiện dễ phát sinh hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực.
Tuy nhiên, việc công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động ở một số Bộ, ngành, địa phương vẫn còn hạn chế, số vi phạm phát hiện được còn chưa thể hiện đúng tình hình thực tế qua phản ánh của dư luận cử tri. Cải cách thủ tục hành chính trong một số trường hợp vẫn chậm, nhiều thủ tục hành chính còn chưa thực sự hợp lý, hiện tượng kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính vẫn diễn ra, việc công bố, công khai quy định hành chính, thủ tục hành chính của một số Bộ, ngành, địa phương chưa được thực hiện đầy đủ…
 Việc thực hiện quy tắc ứng xử và kiểm soát xung đột lợi ích chưa thực sự chuyển biến, có nhiều trường hợp thực hiện chưa nghiêm; có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực Nhà nước và doanh nghiệp; tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra...
Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật để nhũng nhiễu, gây phiền hà nhằm vụ lợi khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp vẫn xảy ra khá phổ biến; thậm chí có những trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi tham nhũng.
Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng nghìn héc ta đất; xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm. Tuy nhiên, việc kiến nghị xử lý hình sự qua công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo mặc dù đã có nhiều tiến bộ so với năm 2019 nhưng theo phản ánh của dư luận thì còn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng.
Số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử còn chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng; việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu tồn tại nhiều năm, nhưng vẫn chưa được khắc phục. Việc thu hồi tài sản tham nhũng qua công tác thi hành án đạt tỷ lệ chưa cao. Vẫn còn tình trạng tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng…
phapluatxahoi.vn