Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phòng, chống nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp

Tin về cải cách hành chính  
Phòng, chống nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp
Ngày 20/7, tại Ninh Thuận, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hội thảo với chủ đề “Phòng, chống tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà của cơ quan hành chính Nhà nước trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp”.
Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội thông qua vào ngày 20/11/2018. Đến nay, việc phòng, chống tham nhũng trong khu vực công vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện cả về cơ chế, thể chế, chính sách, pháp luật nhưng yêu cầu khách quan cần phải điều chỉnh cả khu vực tư vì đã xuất hiện tham nhũng trong khu vực tư, đặc biệt có sự đan xen giữa khu vực công và khu vực tư. Biểu hiện rõ đó là tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm, sâu sau, đấu thầu, vốn trái phiếu Chính phủ…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng mặc dù có nhiều nỗ lực, hiệu quả nhất định, song ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vòi vĩnh người dân, doanh nghiệp; lợi dụng kẽ hở từ cơ chế, chính sách để vụ lợi, sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy trình, không công bằng, khách quan khi giải quyết công việc.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để phòng ngừa tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị là phải công khai, minh bạch về tổ chức hoạt động. Đây là vấn đề liên quan đến thiết chế dân chủ, đến quyền con người, quyền công dân, quyền tiếp cận thông tin, bản chất mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần phải xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ rõ ràng bởi vấn đề này đều do con người hoạch định. Việc phát sinh lợi ích nhóm, lợi ích ngành và tham nhũng cũng phát sinh từ đó. Đây là vấn đề có liên quan đến cải cách hành chính, kiểm soát quyền lực, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên mọi lĩnh vực.
Ngoài ra, cần thực hiên quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đây là những quy định mang tính chất kiểm soát xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn; đồng thời phải chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn mà trên thực tế có thể phát sinh quá nhiều lợi ích trong các mối quan hệ công tác.
Ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị cần phải khách quan, trung thực, công khai và trách nhiệm; đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là một chế định quan trọng nhất của phòng, chống tham nhũng.     
Muốn phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, cần có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh trên tất cả các lĩnh vực. Do đó, việc đề xuất các giải pháp để tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới là rất quan trọng và thực sự cần thiết. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cần kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ xem xét, bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng để Luật được hoàn chỉnh hơn, có tính răn đe sâu sắc; giúp cơ quan thực thi pháp luật thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng…
ttxvn