Vì vậy, tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, tuy nhiên vắc xin phòng COVID-19 có thể không phòng được bệnh hoàn toàn. Người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đủ liều có thể phòng được bệnh hoặc giảm mức độ nặng nếu mắc COVID-19. Vắc xin giúp trẻ được tiêm giảm nguy cơ diễn biến nặng và tử vong khi mắc bệnh. Sau khi được tiêm vắc xin phòng COVID- 19 vẫn cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Những bằng chứng khi triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em và người lớn cho thấy các vắc xin COVID-19 cho trẻ em, người lớn đều đảm bảo an toàn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Hiện tại, có hai loại vắc xin phòng COVID-19 được Bộ Y tế phê duyệt đưa vào tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi gồm:Loại 1: Vắc xin Pfizer: Tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tiêm bắp với liều tiêm 0.2 ml, lịch tiêm hai mũi tiêm cách nhau 4 tuần. Để tránh nhầm lẫn vắc xin dùng cho người lớn, vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em có nắp màu cam.
Loại 2: Vắc xin Moderna tiêm cho nhóm trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi, cùng loại vắc xin tiêm cho người lớn, liều tiêm cho trẻ em 0.25ml, bằng ½ liều cơ bản dùng cho người lớn, tiêm bắp, lịch tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần.
Mỗi trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm chủng vắc xin COVID-19 đầy đủ, đúng lịch sẽ bảo vệ bản thân trẻ, góp phần bảo vệ cộng đồng, cùng cả nước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID- 19
MỘT SỐ LƯU Ý KHI ĐƯA TRẺ TỪ 5 ĐẾN DƯỚI 12 TUỔI ĐI TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19
Trước khi đưa con đi tiêm, cha mẹ, người giám hộ cần đọc kĩ thông tin trong tờ giấy tiêm chủng cho trẻ được gửi tới gia đình. Nếu cha mẹ, người giám hộ đồng ý cho con tiêm vắc xin ngừa COVID- 19, cần điền đầy đủ thông tin, ký xác nhận phiếu đồng ý cho con tiêm chủng. Đồng thời, cho con ăn đầy đủ, chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của điểm tiêm, đưa con đi tiêm chủng theo đúng lịch hẹn, thời gian, địa điểm đã được thông báo.
Khi đi tiêm chủng, cha mẹ, người giám hộ hướng dẫn trẻ thực hiện đầy đủ “Thông điệp 5K" của Bộ Y tế phòng chống dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, cha mẹ, người giám hộ cần chủ động thông báo cho giáo viên, nhân viên y tế về các thông tin cá nhân của trẻ (tình trạng sức khỏe của trẻ: tiền sử mắc covid của trẻ (nếu có), lịch tiêm chủng, tiền sử dị ứng, dị tật bẩm sinh các bệnh lý nền và các loại thuốc trẻ đang sử dụng), họ tên cha mẹ, người giám hộ và số điện thoại để liên hệ khi cần thiết. Phối hợp chặt chẽ với giáo viên, nhân viên y tế thực hiện đầy đủ các quy định của buổi tiêm chủng cho trẻ.
Sau khi tiêm, cha mẹ, người giám hộ cùng với con ở lại điểm tiêm 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng sau khi tiêm. Lưu ý, khi trẻ tiêm xong phải luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm vắc xin ngừa Covid-19 và theo dõi 28 ngày, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu.
Đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ, tránh vận động mạnh. Theo dõi các dấu hiệu sau tiêm chủng cho trẻ theo khuyến cáo của cán bộ y tế để xử lý kịp thời khi cần thiết. Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nhức đầu, buồn nôn, sốt, đau cơ, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm, khó thở…cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có sốt dưới 38,5 độ C thì cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước; không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút. Nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế; nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.
Tiêm chủng vắc xin Covid-19 và tuân thủ 5K là biện pháp phòng COVID-19 hiệu quả cho cả người lớn và trẻ em.