Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lựa chọn cán bộ phải bằng con mắt tinh tường và cái tâm trong sáng

Tin về cải cách hành chính  
Lựa chọn cán bộ phải bằng con mắt tinh tường và cái tâm trong sáng
Đối với người tiến cử, tâm trong sáng thôi chưa đủ, mà cần nhìn nhận bằng con mắt tinh tường, nhạy bén.
Nói về công tác nhân sự Đại hội Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh đây là công việc có ý nghĩa quan trọng nhưng lại cực kỳ khó khăn, phức tạp, nhạy cảm. Bởi đó là con người, công tác về con người. Mà con người thì cũng có đủ thứ chứng tật, cả tốt cả xấu.
Cán bộ tha hóa không chỉ vì tham lam, liều lĩnh mà còn do thiếu hiểu biết
Chia sẻ với những trăn trở của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Giáo sư, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khóa XIV cảm nhận được sự tâm huyết, trách nhiệm của người đứng đầu Đảng, Nhà nước trong việc tìm và lựa chọn đội ngũ cán bộ kế cận để bầu vào Trung ương trong nhiệm kỳ mới. Qua đó, ông thấy được suy nghĩ thấu đáo, sâu sắc và đầy kinh nghiệm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - một con người đã được Đảng, Nhà nước đào tạo bài bản, bổ nhiệm dần từng cấp, đã từng trải qua những vị trí quan trọng bậc nhất của đất nước.
Vị đại biểu Quốc hội cho biết, không chỉ ông, mà cử tri Nhân dân luôn mong chờ bộ máy đất nước sẽ được quản lý, lãnh đạo bởi những cán bộ thực sự vì nước vì dân, những người nói được và hành động được; những người thấu hiểu, chia sẻ, lăn xả để giải quyết công việc, để giúp dân, phục vụ dân.
Những người cán bộ như thế theo ông phải là người hội đủ cả đức và tài. Cái tài của cán bộ ở đây là năng lực để họ giải quyết những vấn đề của đất nước, những yêu cầu chính đáng của Nhân dân. Năng lực đó phải phù hợp với từng giai đoạn, từng thời điểm lịch sử, ở mỗi cương vị mà cán bộ đó đảm nhiệm. Cái tài của họ chính là cách họ vận dụng kiến thức chuyên môn, kiến thức về xã hội, hiểu biết về chính trị với những nhận thức về thực tiễn cuộc sống vào xử lý những diễn biến của đất nước. Ví như đợt dịch COVID-19 này, người lãnh đạo có tài sẽ biết phải làm gì, làm thế nào để có thể ngăn chặn được dịch bệnh và phục hồi được nhanh nền kinh tế khi dịch đi qua.
Một cái tài nữa của người cán bộ theo ông Nguyễn Anh Trí, đó chính là sự hiểu biết và nhận thức để tránh những tiêu cực, những cám dỗ khiến cán bộ đánh mất mình, dẫn tới hư hỏng, tha hóa, biến chất.
“Thật đau lòng khi gần trăm cán bộ cấp Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, không ít trường hợp trong số đó tham lam, liều lĩnh nhưng tôi cam đoan có cả những người vì không hiểu và nhận thức được những việc gì không được phép làm. Để tránh được sai lầm đó, cần có sự hiểu biết, có năng lực thật sự. Nếu thiếu hai thứ đó thì tốt nhất đừng nhận trọng trách, nếu không anh không chỉ làm hại đất nước mà làm hại chính mình”, Giáo sư Trí bày tỏ.
Dẫn chứng về vụ việc của 2 cựu Chủ tịch TP. Đà Nẵng mà tòa đang xét xử, Giáo sư Nguyễn Anh Trí cho rằng, một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến đến những sai phạm của họ là do liều lĩnh, thiếu hiểu biết, làm cho xong. Không phủ nhận, ở thời điểm đó, TP. Đà Nẵng đang rất phát triển, nhưng không thể vì thế mà họ có thể làm những việc ảnh hưởng đến lợi ích chung quá nhiều. Ở vị trí đứng đầu thành phố, họ phải nhận thức được rằng, không nên làm theo cách đó, có thể có lợi trong việc này, việc kia nhưng kéo theo là thất thoát chỗ này, chỗ nọ. Ai làm cán bộ cũng có thể gặp phải những việc như thế, những tình huống như thế. Có thể nếu làm thì được khen ngợi là sáng tạo, năng động nhưng khi lỗi xảy ra thì không có ai có thể chịu thay cho được vì sai sót là có và tổn hại là rất lớn. Người được gọi là có năng lực là người nhận ra được những nguy cơ và biết tránh những nguy cơ làm hại đất nước, làm tổn thất thanh danh, uy tín của Đảng
Ở vị trí càng cao, cán bộ càng phải đối mặt với nhiều cạm bẫy, cám dỗ
Đề cập đạo đức của cán bộ, Giáo sư Trí cho rằng, cần phải lưu ý đó là yếu tố thay đổi theo thời gian, theo lứa tuổi, đặc biệt theo cương vị, ai cũng có thể như vậy, đó là xu hướng, đặc điểm chung. Yêu cầu của Đảng về đạo đức của cán bộ là phải trong sáng, nhưng theo ông, người cán bộ cần phải rèn luyện, tu dưỡng, giữ gìn đạo đức mỗi ngày. Ở vị trí càng cao, cạm bẫy càng nhiều, cám dỗ càng lớn. Những yếu tố đó thử thách lòng người ghê gớm, rất dễ khiến con người ta hư hỏng. Thế nên mới có những cán bộ khi ở cấp Trưởng phòng, Phó Giám đốc rất tốt, nhưng lên đến Giám đốc đã đổi khác, nếu mà lên đến Trung ương chắc chắn sẽ khác. Thế nên Đảng mới yêu cầu cán bộ phải giữ cho được cái đức.
Không phủ nhận sự quan tâm, chú trọng của Đảng trong việc lựa chọn, đào tạo lớp cán bộ kế cận thời gian qua, nhưng vị đại biểu Quốc hội cho biết, ông cũng như cử tri vẫn chưa thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng của đội ngũ cán bộ nguồn.
Thứ nhất, qua các bước của quy trình lựa chọn cán bộ, chúng ta đã thực sự tìm ra được những cán bộ hội đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn cả về tài, đức hay chưa? Liệu họ có bị chi phối bởi yếu tố bè phái, cánh hẩu, con anh con tôi hay không? Do đó, cần có sự công khai, minh bạch đối với lớp cán bộ nguồn đã được lựa chọn, đào tạo thời gian qua để chuẩn bị cho nhân sự khóa tới.
Một điều nữa khiến vị đại biểu Quốc hội còn chưa yên tâm đó là khi cán bộ đã giữ trọng trách trong tay rồi liệu họ có còn giữ được sự trong sáng, công tâm như trước, bởi cơ hội, điều kiện, cám dỗ, cạm bẫy họ phải đối mặt quá lớn.
“Không ai có thể tưởng tượng cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son - người từng vào sinh ra tử ở chiến trường, không chết vì mũi tên hòn đạn nhưng lại chết vì những “viên đạn bọc đường” ở thời bình. Một cán bộ chân chính làm sao có thể bình tĩnh trước số tiền hàng triệu đô la như thế. Nếu vẫn còn giữ được phẩm chất của một chiến sĩ Nguyễn Bắc Son như thời chiến, chắc hẳn ông đã không bị những đồng đô la bẩn thỉu làm mờ lý trí”, Giáo sư Trí chia sẻ.
Lựa chọn cán bộ bằng con mắt tinh tường và tâm trong sáng
Theo Giáo sư Nguyễn Anh Trí, để lựa chọn được đúng cán bộ, không có cách nào khác là phải bằng con mắt tinh tường, tỉnh táo, như yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài viết mới đây về công tác nhân sự. Đặc biệt, ông cũng đồng tình với quan điểm các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu và ở những nơi có cán bộ tham gia quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII phải chịu trách nhiệm trước Tiểu ban Nhân sự, trước Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương về nhân sự do mình đề xuất, giới thiệu. Người tiến cử sai cũng phải chịu kỷ luật.
“Một người nào đó được giao mua cái bàn về cho cơ quan, mang về bàn bị gãy chân, rõ ràng anh ta phải chịu trách nhiệm. Từ việc nhỏ như thế còn phải chịu trách nhiệm, huống hồ việc tiến cử cán bộ vào Trung ương là một việc rất lớn, cán bộ bị tha hóa, lẽ nào người tiến cử lại vô can”, Giáo sư Trí nói.
Cùng với đó, người tiến cử phải thực sự trong sáng, phải đong đếm, cân nhắc, không phải vì “hợp cạ” với mình, không phải vì đó là đàn em “cánh hẩu”; mà tiến cử và bổ nhiệm ai đó thì công việc của cơ quan phải tốt lên. Mặt khác, bản thân người được bổ nhiệm cũng phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, cán bộ càng cao càng phải rèn luyện, tu dưỡng nhiều
vov.vn