Áp dụng phương thức kiểm tra cao nhất đối với sản phẩm giảm cân nhập khẩu
Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế đã đề nghị các cơ quan kiểm tra nhà nước, các cơ quan Hải quan cửa khẩu áp dụng phương thức cao nhất là kiểm tra chặt đối với sản phẩm thực phẩm giảm cân, thay vì chỉ kiểm tra giảm hoặc kiểm tra thông thường…
Cục ATTP - Bộ Y tế vừa có Công văn số 4289 /ATTP-SP gửi các cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm do Bộ Y tế chỉ định áp dụng phương thức kiểm tra chặt đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe có công dụng giảm cân.
Đồng thời, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Cục ATTP cũng đề nghị các cơ quan Hải quan cửa khẩu áp dụng phương thức kiểm tra chặt đối với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe công bố công dụng giảm cân, chỉ tiêu kiểm tra là chất Sibutramine, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Phương thức kiểm tra chặt là phương thức kiểm tra cao nhất đối với thực phẩm nhập khẩu hiện nay, chỉ áp dụng đối với các trường hợp sản phẩm có cảnh báo của Bộ quản lý chuyên ngành, UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất hoặc không đạt yêu cầu nhập khẩu tại lần kiểm tra trước đó.
Hiện tại, do tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói chung thường chỉ phải áp dụng phương thức kiểm tra giảm hoặc phương thức kiểm tra thông thường.
Trong đó, với phương thức kiểm tra giảm, theo quy định mới, chỉ kiểm tra xác suất tối đa 5% lô hàng do Cơ quan Hải quan chọn ngẫu nhiên và thực hiện việc kiểm tra hồ sơ. Còn với phương thức kiểm tra thông thường, chỉ kiểm tra hồ sơ thay vì trước đây là kiểm tra cảm quan và lấy mẫu kiểm nghiệm nếu có nghi ngờ.
Theo Cục ATTP, lý do Bộ Y tế đề nghị phải áp dụng phương thức kiểm tra chặt với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe công bố công dụng giảm cân là vì, vừa qua khi tiến hành kiểm tra hàng loạt cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội, Bộ đã phát hiện cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng giả nhãn hiệu Lishou. Qua giám định, các sản phẩm này đều có hoạt chất Sibutramine đặc biệt nguy hiểm.
Trước đó nhiều nước trên thế giới đã có cảnh báo về việc rất nhiều người phải nhập viện trong tình trạng sức khỏe và tính mạng bị đe dọa do sử dụng thực phẩm chức năng có hoạt chất Sibutramine. Đây là hoạt chất có tác dụng giúp những người béo phì giảm cân, nhưng đặc biệt nguy hiểm đối với người tiêu dùng, nhất là người có tiền sử bệnh tim mạch và huyết áp.
Tại Việt Nam, Cục quản lý Dược - Bộ Y tế đã rút số đăng ký của tất cả các thuốc có chứa hoạt chất Sibutramine ra khỏi danh mục các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành. (An ninh thủ đô, trang 6).
HS-SV có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến tỉnh
Đại diện BHXH VN cho biết trong năm học 2018-2019, học sinh, sinh viên đăng ký tham gia BHYT tại các cơ sở giáo dục, nhà trường nới đang theo học và tiếp tục được nhà nước hỗ trợ phí đóng mua thẻ BHYT. Mức đóng BHYT của HS-SV bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% (18.765 đồng/tháng), HS-SV đóng 70% (43.785 đồng/tháng). HS-SV tham gia được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã, huyện và tương đương mà không phân biệt địa giới hành chính việc đăng ký phù hợp với nơi học tập, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám chữa bệnh… (Thanh niên, trang 11).
Khám, phẫu thuật cho bệnh nhi mắc khuyết tật cột sống và cơ quan vận động
Từ ngày 20-24/8, Đoàn chuyên gia Tổ chức nhân đạo Children Action đã tới Bệnh viện Xanh Pôn khám, phẫu thuật cho các bệnh nhi mắc khuyết tật cột sống và cơ quan vận động. Đợt này, các chuyên gia tập trung khám sàng lọc cho tất cả các trẻ dưới 16 tuổi không may có các dị tật bẩm sinh hoặc mắc phải cơ quan vận động như bàn chân khoèo, trật khớp háng bẩm sinh, vẹo gối, bệnh xương thủy tinh, vẹo cột sống. Buổi khám đầu tiên, các y bác sĩ đến từ Tổ chức Children Action và y bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn đã khám cho 111 cháu, trong đó 29 cháu có chỉ định phẫu thuật… (Nhân dân, trang 5).
Kêu gọi người dân hiến máu O
Tại Hà Nội và nhiều địa phương, nhiều bệnh nhân cần truyền máu nhóm O đang phải mòn mỏi chờ máu. Riêng Viện Huyết học, Truyền máu Trung ương cần gần 700 đơn vị máu O/ngày.
Trung bình mỗi ngày Viện Huyết học, Truyền máu Trung ương cần khoảng 1.500 đơn vị máu để cung cấp cho nhu cầu cấp cứu và điều trị tại 180 bệnh viện ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, riêng nhóm máu O phải cần tối thiểu gần 700 đơn vị máu mỗi ngày.
Tại Việt Nam, gần 50% dân số có nhóm máu O nên số lượng bệnh nhân cần truyền máu nhóm O luôn cao hơn so với các nhóm máu khác. Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa bão tại nhiều địa phương, nên nhiều đơn vị đã phải hoãn hoặc không thể lập kế hoạch tổ chức hiến máu; đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ nhóm O giảm nghiêm trọng.
Trước tình trạng này, TS. BS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học, Truyền máu Trung ương kêu gọi: "Chúng tôi kêu gọi những người nhóm máu O tích cực tham gia hiến máu ngay, đặc biệt khi các lịch hiến máu ngay trước và sau kỳ nghỉ lễ 2/9 giảm"…
Người dân có thể đến Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư (phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để đăng ký hiến máu từ 8 giờ đến 20 giờ tất cả các ngày trong tuần. Hoặc đến điểm hiến máu gần nhất được cập nhật tại địa chỉ https://www.nihbt.org.vn/Home/DiemHM. (Gia đình & Xã hội, trang 7).