Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, từng bước tháo gỡ các “điểm nghẽn”, thực hiện hiệu quả công tác cải...

Tuyên truyền, Phổ biến Cải cách hành chính  
Chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, từng bước tháo gỡ các “điểm nghẽn”, thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính
Với sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, sự điều hành quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy những kết quả đạt được trong năm 2023, công tác cải cách hành chính của tỉnh Phú Yên năm 2024 tiếp tục có nhiều cải thiện tích cực. Chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng được nâng lên.

ập trung thực hiện các giải pháp cụ thể, đồng bộ, quyết liệt

Năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) tỉnh Phú Yên đạt số điểm và xếp hạng cao nhất trong 6 năm gần đây; với kết quả đạt 85,39/100 điểm, tăng 9,4 điểm, xếp vị thứ 52/63 tỉnh, thành phố, tăng 11 bậc so với năm 2022, được ghi nhận là tỉnh có Chỉ số cải cách hành chính tăng cao nhất cả nước.

Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công đạt 73/100 điểm, tăng 24,62 điểm, xếp vị thứ 25/63 tỉnh, thành phố, tăng 37 bậc so với năm 2022 (xếp vị thứ 62/63 tỉnh, thành phố). Tính đến hết tháng 8/2024, tỉnh Phú Yên đạt 78,48 điểm, tăng 5,48 điểm so với thời điểm cuối năm 2023, xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Dù kết quả đạt được còn thấp so với cả nước nhưng đây là kết quả đáng khích lệ, nhờ vào sự quyết tâm, nỗ lực lớn của các cấp, các ngành, tập trung các giải pháp khắc phục những hạn chế yếu kém trong công tác cải cách hành chính ngay từ đầu năm.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt về chuyên đề công tác cải cách hành chính, nhìn nhận thẳng thắn, phân tích, chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. HĐND tỉnh đưa báo cáo cải cách hành chính là một nội dung phục vụ các kỳ họp thường lệ.

UBND tỉnh đưa nội dung cải cách hành chính báo cáo hàng tháng tại Hội nghị UBND tỉnh thường kỳ; rà soát từng nội dung, nhiệm vụ, đánh giá kết quả thực hiện, nêu tên các cơ quan, đơn vị chưa làm tốt, các nội dung chưa hoàn thành, qua đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh (Ban Chỉ đạo) trực tiếp phê bình, trực tiếp chỉ đạo và giao nhiệm vụ thực hiện cho các thành viên Ban Chỉ đạo. UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh, mời lãnh đạo các cơ quan: Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQVN tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cùng tham gia thể hiện sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã chủ động, tích cực tổ chức các hội nghị, các buổi đối thoại với người dân và doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, 100% Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp nâng cao hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công.

Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường. Trong 8 tháng đầu năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Đoàn kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Phú Yên. UBND tỉnh thành lập hoặc chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra cải cách hành chính, kỷ luật kỷ cương hành chính tại 21 cơ quan, đơn vị, địa phương; riêng việc kiểm tra định kỳ công tác cải cách hành chính hàng năm luôn thực hiện tối thiểu 30% cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh.

Đến hết tháng 8 năm 2024, nhiều nội dung, chỉ tiêu tiếp tục cải thiện rõ rệt so với năm 2023. Tỉnh đang triển khai thực hiện 1.847 thủ tục hành chính, tỷ lệ hồ sơ TTHC đúng hạn của 03 cấp tiếp tục duy trì trên 95%, trong đó: cấp sở 95,44%, cấp huyện 95,14%, cấp xã 98%; Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 59,6% (trung bình cả nước là 53,8%, năm 2023 là 29,5%); Tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến là 61,71% (trung bình cả nước là 48,41%, năm 2023 là 45,59%); Tỷ lệ số hóa, kết quả giải quyết hồ sơ TTHC đạt 62,46% (trung bình cả nước là 64,82%, năm 2023 là 29,72%); Tỷ lệ cấp kết quả điện tử là 65,16% (trung bình cả nước là 66,67%, năm 2023 là 26,56%); Tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa đạt 9,51% (trung bình cả nước là 12,8%, năm 2023 là 0%).

Quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính đã mang lại những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” trong thực hiện cải cách hành chính

Việc chỉ đạo khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính còn chậm, nhất là trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hạn trong lĩnh vực đất đai còn nhiều đã ảnh hưởng lớn đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số còn thiếu đồng bộ; việc chia sẻ, kết nối dữ liệu còn hạn chế. Việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin còn chậm, tiến độ xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử chưa đạt yêu cầu của Chính phủ.

Vẫn còn tình trạng người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa sâu sát, thiếu theo dõi kiểm tra, giám sát công việc dẫn đến tình trạng sót việc, không nắm việc. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong nhiều trường hợp còn chưa thực sự hiệu quả, thông suốt và đồng bộ. Kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, kỹ năng giao tiếp và ứng xử chưa được người dân đánh giá cao.

Tiếp tục tập trung thực hiện cải cách hành chính ngày càng hiệu quả và thực chất, quan tâm hơn đến cảm nhận, mong đợi và kết quả đánh giá của người dân

Thời gian tới, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, để cải cách hành chính thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, rất cần sự hành động thống nhất, quyết tâm cao của các cấp, các ngành và của từng cá nhân cán bộ, công chức, viên chức.

Trước hết và trọng tâm là đổi mới tư duy và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện cải cách hành chính, gắn với việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Tiếp tục đổi mới phương thức đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị gắn với kết quả thực hiện cải cách hành chính và trách nhiệm người đứng đầu thông qua việc ứng dụng phần mềm điện tử bằng sản phẩm, định lượng kết quả thực hiện.

Đề cao và thực hành văn hóa phục vụ người dân và doanh nghiệp trở thành lẽ tự nhiên, là bổn phận và trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện phân công nhiệm vụ phải “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ thời gian hoàn thành và rõ hiệu quả”; xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ, quy trình phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân gắn với từng công đoạn; đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức gắn với kết quả thực hiện cụ thể, thực chất, công khai.

Thứ hai là dành nguồn lực thích đáng để đầu tư cơ sở vật chất, con người và các hoạt động tuyên truyền cải cách hành chính. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thành đầu tư hạ tầng xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số đảm bảo tiến độ Chính phủ quy định; hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động cơ quan hành chính nhà nước, từ đó, tạo thuận lợi và mang lại lợi ích thiết thực trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ ba là tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ nhằm khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu xử lý công việc, không dám quyết định xử lý công việc theo thẩm quyền dẫn đến quá trình xử lý công việc kéo dài, gây lãng phí thời gian, nguồn lực, cơ hội phát triển; làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, gây cản trở công tác chỉ đạo, điều hành, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Cải cách hành chính là một quá trình lâu dài, chỉ có tư duy đổi mới, hành động quyết tâm, sáng tạo của người đứng đầu, nhận thức đầy đủ về trách nhiệm nền hành chính phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của mỗi cá nhân cán bộ, công chức, viên chức, mới có thể cải thiện được hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước hướng đến xây dựng thành công chính quyền kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân.​


http://caicachhanhchinh.gov.vn/