Theo báo cáo của BCĐ, 6 tháng đầu năm, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp, việc rà soát, xử lý vướng mắc, bật cập về CCHC đã được triển khai tích cực, góp phần thúc đẩy CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh. Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được quan tâm. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện quy định vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cải cách chính sách tiền lương tiếp tục chuyển biến rõ nét. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được chỉ đạo triển khai đồng bộ.
Trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 168 quy định kinh doanh, nâng tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 2.943 quy định (đạt 18,6%); thực hiện phân cấp 108 TTHC, nâng tổng số TTHC được phân cấp từ năm 2022 đến nay là 261/699 TTHC. Các bộ, cơ quan đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa 40 TTHC nội bộ và phê duyệt theo thẩm quyền phương án đơn giản hóa 151 TTHC nội bộ. Các địa phương đã phê duyệt phương án đơn giản hóa tổng số 861 TTHC. Đến nay, các bộ, ngành đã đơn giản hóa 828 TTHC được giao tại nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư (đạt 76%). Đến 30/6/2024, tỷ lệ TTHC được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến đạt 81%; tỷ lệ TTHC được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 48%; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đối với các dịch vụ công trực tuyến toàn trình của các bộ, ngành đạt 61%, cấp tỉnh, thành phố đạt 17%; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử trực tuyến; 100% các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.
Báo cáo cũng chỉ rõ, công tác CCHC trong 6 tháng đầu năm vẫn còn những hạn chế, như: Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, chậm sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ; một số bộ, ngành, địa phương chậm ban hành quyết định công bố TTHC chưa kiểm soát chặt chẽ thời hạn giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp dẫn đến tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn hoặc từ chối giải quyết còn nhiều; việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn hạn chế; việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn hình thức, chưa thực chất, chưa hiệu quả…
Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích, làm rõ kết quả đạt được, những hạn chế, những mô hình hay trong thực hiện CCHC của bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm; giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại địa phương…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương nỗ lực, cố gắng và đánh giá cao thành tích mà các thành viên BCĐ, các cơ quan, địa phương đã đạt được trong công tác CCHC 6 tháng đầu năm. Điểm lại kết quả nổi bật, chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong công tác CCHC thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đẩy mạnh CCHC, xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả luôn được Đảng, Nhà nước xác định là một trọng tâm, đột phá chiến lược trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Những năm qua, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các thành viên BCĐ, các cấp, ngành, địa phương, công tác CCHC đã có những chuyển biến tích cực, đạt kết quả toàn diện.
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt “5 đẩy mạnh”: Đẩy mạnh rà soát, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế chính sách cho sản xuất, kinh doanh; Đẩy mạnh đối thoại, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp; Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, số hóa hồ sơ, cơ sở dữ liệu, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chia sẻ cơ sở dữ liệu, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên tất cả các lĩnh vực.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có giải pháp cụ thể, thiết thực, tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch CCHC năm 2024; tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC; tăng cường công tác đôn đốc, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền về CCHC. Các bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, trong đó tập trung xây dựng vị trí việc làm để cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công. Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 60 (ngày 21/6/2021) của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; phối hợp các bộ, ngành hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa dịch vụ công ở các lĩnh vực có đủ điều kiện…