Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu, cả nước ghi nhận 3.948 loài cây thuốc, trong đó chỉ 10% là cây thuốc trồng; còn lại là cây thuốc trong tự nhiên.
Trước tình hình suy giảm nhanh chóng nguồn cây thuốc, vấn đề bảo tồn cây thuốc trở nên bức thiết, tại hội thảo, lãnh đạo một số Bộ, Ngành, địa phương đã trao đổi kinh nghiệm cũng như đề xuất các giải pháp đẩy mạnh nuôi trồng, sản xuất, sử dụng dược liệu.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, trong những năm qua, công tác phát triển dược liệu đã được Đảng bộ, UBND tỉnh, các Sở, Ban, Ngành quan tâm. Tỉnh đã có một số ưu đãi cho tập thể, cá nhân tham gia trồng và phát triển cây thuốc; hợp tác, hỗ trợ với các Cục, Vụ, Viện và một số doanh nghiệp có kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát triển dược liệu trên địa bàn.
Hiện Tỉnh đã có một số mô hình trồng dược liệu mang lại giá trị kinh tế. Tuy nhiên, việc khai thác dược liệu trong tự nhiên quá mức dẫn đến nhiều cây thuốc trên địa bàn đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Tỉnh chưa có quy hoạch vùng nuôi trồng cũng như bảo tồn nguồn gen dược liệu quý. Việc trồng, phát triển nguồn dược liệu còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát…
Đồng chí đề nghị Bộ Y tế cho phép tỉnh Quảng Ninh thí điểm thành lập Trung tâm quản lý, nghiên cứu và phát triển dược liệu. Đề nghị Nhà nước hỗ trợ khoa học công nghệ cho các mô hình bảo tồn và phát triển cây thuốc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho các Trung tâm kiểm nghiệm để tăng cường hiệu quả công tác quản lý chất lượng dược liệu, thuốc nam, thuốc bắc lưu hành trên thị trường; đẩy mạnh triển khai xây dựng vườn cây thuốc quốc gia khu vực Đông Bắc tại Yên Tử để làm cơ sở cho công tác phát triển dược liệu…