Theo đó, Tổng cục Dân số/KHHGĐ yêu cầu các hoạt động hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới, Ngày quốc tế người cao tuổi và Ngày quốc tế trẻ em gái phải được thiết kế trong một kế hoạch tổng thể; nội dung, thông điệp truyền thông, khẩu hiệu hành động phải được triển khai đồng bộ, thống nhất; tổ chức thực hiện tiết kiệm, lồng ghép hiệu quả với các hoạt động truyền thông thường xuyên tại mỗi cấp. Cụ thể chủ đề truyền thông hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới (26/9) năm nay là “Hãy lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để tránh mang thai ngoài ý muốn"
Trong đó, các hoạt động truyền thông hướng tới nâng cao nhận thức về lợi ích của việc tránh thai, nhu cầu sử dụng, khả năng đáp ứng các phương tiện tránh thai (PTTT), vấn đề xã hội hóa các PTTT tại Việt Nam, về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), các biện pháp tránh thai an toàn. Nâng cao nhận thức cho mọi người dân đặc biệt là các cặp vợ chồng, nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, chủ động về hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng. Đẩy mạnh truyền thông về Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Chương trình truyền thông Dân số đến năm 2030 và Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030...
Chủ đề truyền thông hưởng ứng Ngày quốc tế người cao tuổi (01/10) “Gia đình và xã hội hãy tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích"
Nội dung truyền thông vận động nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp; các nhà hoạch định chính sách; các chức sắc tôn giáo; những người có uy tín trong cộng đồng… về cơ hội, thách thức đối với việc chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi (NCT) nhằm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, kế hoạch và đầu tư cho việc chủ động thích ứng với già hóa dân số; xây dựng môi trường chăm sóc sức khỏe thân thiện với NCT nhất là ở gia đình và cộng đồng.
Nhưng năm gần đây, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam liên tục tăng, đạt 72,8 tuổi (2009) lên 73,5 tuổi (2017) và 73,6 tuổi (2019). Năm 2022, tuổi thọ trung bình là 73,6 tuổi (trong đó nam là 71,1 tuổi và nữ là 76,4 tuổi). Tuy tuổi thọ bình quân của người Việt Nam cao nhưng số năm sống khỏe mạnh tính từ lúc sinh mới chỉ đạt 65 năm. Tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên trong cơ cấu dân số giai đoạn 2017 - 2020 chiếm từ 8% - 9%. Đến năm 2021, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt 8,3%. Số người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế tăng qua các năm, 10.717.450 người (2018); 11.281.071 người (2019); 12.190.504 người (2020); 12.433.901 người (2021). Sau 5 năm, tính đến hết tháng 12/2022, tổng số người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế là 13.165.706 người (tăng 22,8% so với năm 2018). Trong bối cảnh như vậy, cần tiếp tục chú trọng chăm sóc người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi của người dân về: quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NCT; từng bước xóa bỏ các định kiến về chăm sóc sức khỏe NCT tại các cơ sở tập trung (nhà dưỡng lão, trung tâm dưỡng lão…); các cơ quan, tổ chức, gia đình và cộng đồng không kỳ thị và coi người cao tuổi là gánh nặng; cần quan tâm giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò NCT; nghĩa vụ, trách nhiệm phụng dưỡng NCT của gia đình và cộng đồng có NCT.
Ngày quốc tế trẻ em gái (11/10) với chủ đề và nội dung truyền thông hưởng ứng “Thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh"
Mất cân bằng giới tính khi sinh trở thành thách thức với công tác dân số từ năm 2006. Năm 2015, tỷ số giới tính khi sinh ở mức rất cao là 112,8. Trong giai đoạn 2016-2022, tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế, tuy nhiên chưa ổn định và vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên (112,0 bé trai/100 bé gái, năm 2022). Cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS). Tuyên truyền về nội dung phát huy vai trò, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, vận động người dân thay đổi tư duy, nhận thức và hành động trong vấn đề chênh lệch giới tính khi sinh. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều nội dung, hình thức phù hợp để tạo dư luận xã hội ủng hộ và xóa dần sự phân biệt giữa con trai và con gái trong quan niệm của nhiều người dân; tập trung vào vấn đề định kiến giới, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới. Các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.
Các địa phương tổ chức tuyên truyền tập trung tổ chức các sự kiện, chiến dịch truyền thông trọng điểm trên kênh truyền thông đại chúng các cấp và kênh truyền thông trực tiếp tại cơ sở tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, mít tinh, cổ động, diễu hành, diễn đàn, đối thoại, giao lưu, tọa đàm cấp tỉnh, cấp huyện về thực trạng, thách thức và giải pháp từng bước giải quyết vấn đề MCBGTKS, bình đẳng giới cải thiện sức khỏe trẻ em gái trong những năm tiếp theo. Triển khai các loại hình cung cấp thông tin, mô hình tư vấn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe về MCBGTKS, bình đẳng giới,... ưu tiên các vùng sâu, vùng cao, vùng biển, đảo và ven biển. Đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng Internet, mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tik tok, kênh Youtube của các địa phương. Lồng ghép với các hoạt động truyền thông khác tại địa phương. Đồng thời tổ chức khảo sát, kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá việc thực hiện các chủ trương, luật pháp, chính sách, tài liệu hiện hành của Đảng và Nhà nước về MCBGTKS, bình đẳng giới ở các cấp.