Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây ra, có thể phát hiện ở hầu hết các bộ phận của cơ thể, nhưng thể lao phổi chiếm 80%. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Ngày 24/3/1882, nhà bác học người Đức là Robert Koch đã công bố tìm ra nguyên nhân gây bệnh lao là trực khuẩn lao. Phát hiện này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc mở đường cho việc loại trừ bệnh dịch nguy hiểm này. Năm 1982, Tổ chức Y tế Thế giới và Hiệp hội Bài Lao và Bệnh phổi quốc tế đã quyết định lấy ngày 24/3 hằng năm là ngày Lao Thế giới.
Ông Phan Anh Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu khai mạc Lễ mít tinh.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, đại diện lãnh đạo Sở Y tế cho biết đây là dịp để mỗi người trong chúng ta nâng cao sự hiểu biết về căn bệnh nguy hiểm này, là dịp để huy động các tổ chức chính trị-xã hội, các nhà tài trợ cùng chung tay, tăng cường các hoạt động thiết thực để phòng chống bệnh lao. Mặc dù thuốc điều trị đặc hiệu bệnh lao đã có từ hơn 50 năm, nhưng hiện nay bệnh lao vẫn còn là một trong những trở ngại lớn cho phát triển kinh tế xã hội vì 75% người mắc lao nằm trong nhóm lao động chủ yếu của xã hội. Hàng ngày trên thế giới cứ 24 giây lại có một người chết do bệnh lao, cứ mỗi giây trôi qua lại có một người mới nhiễm lao.
Các đại biểu nghe kết quả công tác phòng, chống Lao của tỉnh.
Bệnh lao có thể phòng ngừa và điều trị được nhưng theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2020, Việt Nam xếp thứ 10 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao và xếp thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Lao kháng thuốc là mối đe dọa nghiêm trọng về y tế công cộng.
Ở Hà Nam mỗi năm phát hiện ra khoảng 700 – 800 bệnh nhân lao mới, trong đó có từ 300 – 400 bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn. Tỷ lệ khỏi và hoàn thành trên 90%.
Lãnh đạo Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh phát động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao.
Phát biểu tại buổi lễ đại diện Bệnh viện Phổi Trung ương ghi nhận những kết quả đạt được của Hà Nam trong công tác phòng, chống bệnh lao. Đồng thời đề nghị Chương trình Chống lao tại tỉnh tiếp tục có những hoạt động tích cực, hiệu quả hơn nữa để góp phần cùng thế giới đẩy lùi căn bệnh truyền nhiễm đã tồn tại lâu đời và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ, kinh tế, xã hội…
Đại diện Bệnh viện Phổi Trung ương phát biểu tại Lễ mít tinh.
Tại Lễ mít tinh Ban tổ chức cũng phát động nhắn tin ủng hộ quỹ PASSTB (Quỹ người bệnh chiến thắng bệnh lao). Thời gian: Bắt đầu từ 00h00 ngày 08/03/2024 đến hết ngày 06/05/2024. Cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402.
Nhân dịp này ngành y tế phối hợp thực hiện chương trình truyền thông rộng rãi về những điều cần biết về bệnh lao; kết quả đạt được trong công tác phòng, chống lao; ý nghĩa của việc phát hiện kịp thời và điều trị cho người mắc lao;...
Lễ mít tinh và các hoạt động truyền thông nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống lao Việt Nam và mục tiêu cơ bản chấm dứt bệnh lao vào năm 2035. Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người có nguy cơ cao về bệnh lao và các biện pháp phòng, chống lao. Xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử với người mắc lao.