Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phòng bệnh cho người cao tuổi trong ngày hè

Tin Y tế Tin cần biết  
Phòng bệnh cho người cao tuổi trong ngày hè
Người cao tuổi, các cơ quan trong cơ thể đều suy yếu nên dễ mắc nhiều bệnh. Thời tiết nắng nóng, ngột ngạt, khó chịu của mùa hè sẽ khiến người cao tuổi mệt mỏi, chán ăn, giảm sức đề kháng.

Chính vì vậy, mùa hè là thời điểm các bệnh lý ở người cao tuổi dễ nặng hơn, do vậy, cần có cách bảo vệ sức khỏe hợp lý.

Các bệnh dễ mắc hoặc trở nặng hơn trong mùa hè

Bệnh lý tim mạch: Tim mạch là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi, trong đó nhiều nhất là bệnh lý về xơ vữa động mạch, thiểu năng mạch vành, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim... Đây là những bệnh có mức độ nguy hiểm rất cao, luôn đe dọa tính mạng người cao tuổi. Nguyên nhân chính là do sự mất kiểm soát về mỡ máu dẫn tới gia tăng đột biến các phân tử cholesterol gây tắc nghẽn mạch và sự mất độ đàn hồi do lão hóa của các mạch máu.

Mùa hè, các bệnh lý tim mạch ở người cao tuổi dễ trở nặng hơn do thời tiết nóng nực, mồ hôi ra nhiều khiến cơ thể mất chất điện giải và mất nước, từ đó tim đập nhanh, huyết áp cũng dễ tăng cao. Trường hợp bị sẵn huyếp áp thấp thì dễ bị tụt huyết áp.

Bệnh đường hô hấp: Mùa hè, người cao tuổi vẫn có thể bị cảm lạnh nếu sinh hoạt không theo khoa học như tắm ngay khi đi nắng về, ngủ ở phòng nhiệt độ thấp. Nặng hơn thì sẽ bị viêm phế quản, viêm phổi còn nhẹ sẽ dẫn đến các bệnh như viêm mũi, viêm họng. Hơn nữa, tỷ lệ người cao tuổi mắc hen suyễn cao. Khi trời nóng nực, cơ thể mệt mỏi, dấu hiệu bệnh sẽ nặng nề hơn.

Bệnh về đường tiêu hóa và rối loạn tiêu hóa: Người cao tuổi rất dễ mắc bệnh rối loạn tiêu hóa như: viêm loét miệng, ăn không tiêu, đầy hơi, trướng bụng, táo bón hoặc đi lỏng... Người cao tuổi cũng có thể mắc bệnh viêm loét dạ dày, hành tá tràng, trào ngược thực quản hoặc viêm đại tràng mạn tính... Các loại bệnh này thường làm cho người cao tuổi rất khó chịu, gây lo lắng, ăn không ngon, ngủ không ngon giấc hoặc kém ngủ, mất ngủ kéo dài. Mất ngủ lại làm cho nhiều bệnh ở người cao tuổi phát sinh.

Khi trời nắng nóng, nhiệt độ từ 35 - 40oC là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh với cấp số nhân - gấp 3 lần so với thời tiết bình thường. Đồng thời, trời nóng khiến sức khỏe giảm sút, do đó, khi tiếp xúc với thực phẩm nhiễm vi khuẩn sẽ dễ dàng bị ngộ độc. Có 7 loại vi khuẩn dễ có trong thực phẩm kém chất lượng, trong đó có: vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy; vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn; vi khuẩn Clostridium gây tiêu chảy; vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả... Người cao tuổi ăn uống chưa hợp lý thường bị đầy bụng, ăn không tiêu, trướng bụng, táo bón khiến ăn không ngon, các bệnh rối loạn tiêu hóa xảy ra thường xuyên hơn.

Tiểu đêm: Khi đi tiểu với tần suất quá 2 lần/đêm có thể đã bị mắc chứng tiểu đêm. Mắc chứng bệnh này, người bệnh thường phải khổ sở thức dậy đi tiểu nhiều lần giữa đêm. Điều này ảnh hưởng trầm trọng tới giấc ngủ, khiến cơ thể uể oải, mệt mỏi kéo dài. Lâu ngày sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống, suy nhược sức khỏe.

Giúp người cao tuổi phòng bệnh trong mùa hè

Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý: Người cao tuổi nên ăn đều đặn từ 4 - 5 bữa/ngày và nên ăn ít một lần để hệ tiêu hóa hoạt động dễ dàng và hiệu quả hơn, giảm áp lực cho dạ dày, giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt hơn. Ăn nhiều thực phẩm nâng cao sức đề kháng, giàu chất đạm như thịt, cá, tôm, cua, đậu phụ... Đồng thời, người cao tuổi cần bổ sung trái cây tươi, rau xanh để cung cấp thêm vitamin và khoáng chất. Để tránh thiếu lượng nước cần thiết, nên uống nước đều đặn và đầy đủ vào buổi sáng (trung bình cần khoảng 2 lít nước/ngày). Luôn ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không dùng thức ăn lạnh sẽ tổn hại cho hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, người cao tuổi  nên hạn chế ăn thức ăn chế biến sẵn, đồ chiên rán, nội tạng động vật hay thức ăn tươi sống.

Tập luyện điều độ và nghỉ ngơi hợp lý: Người cao tuổi nên tập luyện điều độ mỗi ngày ít nhất 20 phút/ngày các bài tập thể dục như đi bộ, chạy bộ, thể dục tay không, dưỡng sinh kết hợp hít thở sâu. Nên tập vào buổi sáng sớm hoặc buổi chiều tối, khi râm mát.

Người cao tuổi không nên nằm hoặc ngồi lâu một chỗ mà nên tập thể dục đều đặn như tập hít thở trước và sau khi ngủ dậy, tập vận động tay chân, xoa, bóp các cơ bắp. Có thể tập nhẹ nhàng trong nhà, trong vườn hoặc nơi có điều kiện thuận lợi như gần công viên, câu lạc bộ và nên đến những nơi này để vừa tập, vừa có cơ hội gặp gỡ bạn bè trao đổi, tâm sự để giải tỏa một phần bức xúc và có thể học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong việc gìn giữ, bảo vệ sức khỏe thì càng tốt.

Người cao tuổi cần thư giãn, đi ngủ đủ giấc, đúng giờ. Đồng thời, giữ cuộc sống vui vẻ, thoải mái. Khi có các dấu hiệu bệnh thì cần đi khám ngay để được tư vấn điều trị kịp thời.​


(Theo Suckhoedoisong.vn)