Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Những cống hiến thầm lặng của những “ chiến binh áo trắng”

Tin Y tế Tin hoạt động  
Những cống hiến thầm lặng của những “ chiến binh áo trắng”
Bác sỹ chuyên khoa I Trần Đức Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trưởng đoàn công tác ngành y tế Hà Nam hỗ trợ chống dịch Covid-19 đợt 1 tại Bệnh viện dã chiến số 9, huyện Hóc Môn thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tình hình dịch bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn diễn biến phức tạp, cuộc chiến đấu của đội ngũ y, bác sỹ tiếp tục. Trong mọi điều kiện, ai cũng nỗ lực hết mình, hy sinh hết mình để mong sớm dập tắt được dịch bệnh. Cuộc trò chuyện ngắn của phóng viên với bác sỹ Trần Đức Lý về tình hình công tác của đoàn tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về những cống hiến thầm lặng của những “chiến binh áo trắng”.

cvn.jpg

Bác sỹ Trần Đức Lý (áo kẻ trắng - xanh) cùng anh em trong đoàn chuẩn bị nhận nhiệm vụ

Hơn một tháng tham gia công tác chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh, xin hỏi bác sỹ, cuộc sống sinh hoạt, sức khoẻ và công việc của các đồng chí trong đoàn ra sao?

Bác sỹ Trần Đức Lý: Chúng tôi ở cùng khu với nhau. Hàng ngày, trước khi tôi đi làm buổi sáng, tôi sẽ giao nhiệm vụ, nhắc nhở anh em. Sau đó, mỗi người một việc, ai xong sớm nghỉ sớm, ai cần hỗ trợ, cần tăng cường thì sẽ phân công thêm người tăng cường, hỗ trợ. Chúng tôi liên lạc với nhau bằng zalo là chính. Anh em làm việc ở phía trong không thể tuỳ tiện ra ngoài được, tất cả các đồ dùng, vật dụng đều nhiễm khuẩn, nhiễm virut, vì thế chúng tôi ngoài này cần gì thì anh em phía trong sẽ chụp hình gửi ra. Thí dụ, một tờ giấy dùng để ghi số liệu sinh tồn, hoặc là chỉ số huyết áp hay là nồng độ oxy của người bệnh … trong đó sẽ chụp bằng điện thoại, gửi ra ngoài.  Các bác sỹ làm việc vòng ngoài sẽ xem và có ý kiến chỉ đạo trên nhóm zalo về phương pháp xử lý phù hợp với tình hình. Trường hợp nào cần xử lý tận nơi, tại chỗ thì bác sỹ sẽ vào để làm.

Như các bạn đã biết, Bệnh viện Dã chiến số 9 ở tầng 2 trong mô hình điều trị chóp ba tầng Covid-19, có cả bệnh nhân không triệu chứng, bệnh nhân nhẹ, bệnh nhân triệu chứng vừa, bệnh nhân thở oxy, bệnh nhân thở oxy lưu lượng cao (HFNC) …

So với những hình dung ban đầu khi đoàn chưa đặt chân vào đó, mọi công việc thực tế có khác biệt lắm không, có khó khăn lắm không thưa ông?

Bác sỹ Trần Đức Lý: Về cơ bản thì anh em cũng đã hình dung được công việc trong này, cũng biết rằng đây là bệnh viện được hình thành trên cơ sở một trung tâm cách ly tập trung của huyện Hóc Môn. Khi tình hình dịch phức tạp, bệnh nhân tăng dần lên, đông hơn, khu vực này không tổ chức cách ly F1 nữa mà chuyển thành nơi điều trị cho F0, có nghĩa là chuyển đổi chức năng từ quân đội sang bệnh viện, giao cho bệnh viện quận 11 làm công tác điều hành và vận hành. Bệnh viện có 40 cán bộ, nhân viên của Hà Nam vào tăng cường hỗ trợ cùng với 10 cán bộ, nhân viên y tế của địa phương. Chúng tôi làm hết các việc, từ tiếp nhận bệnh nhân, xếp phòng, kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh, nắm bắt và tiên lượng tình hình sức khoẻ và diễn biến của bệnh, sau đó ra các y lệnh để điều trị, chăm sóc. Khi người bệnh đã điều trị ổn định từ 8 đến 10 ngày, chúng tôi cho xét nghiệm lại SARS-CoV – 2, nếu dương tính thì tiếp tục để lại điều trị, nếu âm tính thì sẽ chuyển họ sang một khu vực khác để chuẩn bị làm các thủ tục ra viện.

Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 50 đến 70 bệnh nhân, thậm chí nhiều hơn chút, đủ với năng lực đáp ứng của bệnh viện. Trong số những bệnh nhân nhập viện, có nhiều bệnh nhân diễn biến nặng với những triệu chứng như khó thở, nồng độ oxy trong máu thấp, đau ngực, đau đầu, tiêu chảy… thì chúng tôi sẽ xử lý theo đúng chức năng chuyên môn và phác đồ của Bộ  Y tế đã xây dựng, đồng thời theo dõi sát diễn tiến của bệnh.

Sự phối hợp trong công việc của anh em chúng tôi với các cán bộ, nhân viên y tế trong này cơ bản rất tốt. Ai cũng hiểu rằng, mình đang làm việc trong một môi trường có nồng độ virut đậm đặc, chỉ cần sơ xuất một chút thôi nguy cơ lây nhiễm rất cao. Mỗi người ở trong đó làm việc liên tục từ 4 giờ đồng hồ trở lên, áp lực lớn lắm…


cva.jpg

Các nhân viên y tế trong đoàn đang nhận việc xét nghiệm bàn, sắp xếp khi bệnh nhân xuống ​

Dường như anh em trong đoàn, không ai hình dung được hết bản thân phải đối mặt với những áp lực đó, nguy hiểm đến mức đó phải không thưa bác sỹ?

Bác sỹ Trần Đức Lý: Đúng là như vậy! Nhiều người không nghĩ sẽ phải ở lại lâu như thế này, bởi vì dịch quá phức tạp, kéo dài đến thế. Từ ngày chúng tôi vào đây, ngày 27/7  là một ngày đỉnh cao, ghi nhận nhiều ca nhất từ trước đến lúc đó, hơn 7000 ca, nhưng bây giờ, dịch đi ngang ở mức  trên - dưới 4000 ca mỗi ngày. Mấy hôm nay, khi các F0 được phân loại từ cơ sở để cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà thì số lượng bệnh nhân đến bệnh viện có triệu chứng nặng, chủ yếu là người già, trẻ em, người có bệnh nền tăng hơn.

Với nam giới, việc đối mặt với những áp lực thế này có thể dễ vượt qua hơn, nhưng với phụ nữ, vừa phải chịu áp lực trong công việc còn thêm nỗi lo gia đình, con cái ở nhà. Làm sao để họ vượt qua được, để họ làm cho những người ở nhà yên lòng đây thưa bác sỹ?

Bác sỹ Trần Đức Lý: Nói thật lòng, đến thời điểm này mọi người đều mong muốn lãnh đạo các cấp sẽ bố trí nhân lực vào thay thế hỗ trợ các đoàn đi trước trong này để họ trở về. Sẽ rất khó khăn nếu đoàn tiếp tục ở lại đây thêm thời gian dài nữa, mình chỉ là đi tăng cường, hỗ trợ chứ không giống với cán bộ, nhân viên sở tại. Khó khăn anh em phải vượt qua từ khí hậu, đồ ăn thức uống, công việc thì quá vất vả.. ai đã phải cố gắng rất nhiều.

Giờ đang chuẩn bước sang tháng 9, trong đoàn có nhiều đồng chí có con nhỏ, ở tuổi đến trường, nên cũng sốt sắng điện thoại nhờ vả mọi người ở nhà giúp đỡ, lo toan cho các cháu chuẩn bị năm học mới. Đồng thời, động viên mọi người trong gia đình yên tâm, không phải lo lắng cho chúng tôi trong này. Trong đoàn có 3 đồng chí khi đang làm nhiệm vụ ở đây, người thì ở nhà con mổ ruột thừa, người thì vợ bị xuất huyết giảm tiểu cầu, phải điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai… Công đoàn cơ quan, anh em ở nhà cũng đã bảo ban nhau thăm hỏi, giúp đỡ gia đình các đồng chí ấy rồi nên phần nào cũng vợi bớt lo lắng. Ngay tại chính nơi đây, có nhiều lực lượng khác như công an, quân đội… đang làm việc, cũng gặp phải những hoàn cảnh đáng thương lắm, người thì bố, mẹ chết mà không về được, người thì con cái ốm đau, chồng hoặc vợ bệnh tật… Tất cả đều phải chiến đấu và vượt qua những khó khăn đó thôi, chỉ mong dịch bệnh sớm được khống chế, dập tắt.

Hơn một tháng ở đó, ông thấy không khí và cuộc sống của người dân thành phố Hồ Chí Minh trong cơn bão dịch thế nào?

Bác sỹ Trần Đức Lý: Tôi nhìn thấy dịch bệnh Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của mọi người, mọi nhà ở đây. Mặc dù, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp bộ ngành, chính quyền thành phố đã hết sức tăng cường hỗ trợ người dân, nhưng vẫn không thể nào hết được. Người dân thành phố rất đông, người giàu cũng nhiều, nhưng người không có điều kiện, người dân vãng lai, ngụ cư rất lớn. Khi rơi vào hoàn cảnh dịch bệnh thế này, nhiều người không biết đi đâu, về đâu. Rất may, hôm rồi, thành phố đã đón tất cả những đối tượng lang thang, vô gia cư về các khu cách ly để quản lý…

Ngay trong bệnh viện lúc này, có hai thanh niên thuộc đối tượng vô gia cư, bị mắc covid-19, đã được điều trị khỏi bệnh, đủ điều kiện để xuất viện, nhưng các cậu ấy xin ở lại để hỗ trợ cho lực lượng làm nhiệm vụ hậu cần với lý do, giờ ra ngoài không biết đi đâu, về đâu. Nhiều bệnh nhân khác có hoàn cảnh khó khăn, được điều trị và chăm sóc tại đây rất tốt nên họ rất cảm động, không muốn xuất viện ra ngoài lúc này! Đây là sự thật, họ nói, trong bệnh viện họ có cuộc sống tốt hơn mặc dù bị bệnh…Tuy nhiên, họ vẫn phải ra viện để nhường chỗ cho các bệnh nhân khác…

Vâng, xin cảm ơn bác sỹ!​