Đặc biệt là từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm, tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác CCHC, kiểm soát TTHC, cải cách TTHC và thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa" liên thông. Cùng với đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác CCHC, giải quyết các TTHC, cung cấp DVC cho cá nhân, tổ chức với phương châm chú trọng chỉ đạo thực hiện việc lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, cơ quan có thẩm quyền giải quyết TTHC, từng bước làm thay đổi mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC, UBND tỉnh xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của công tác cải cách TTHC. Vì vậy, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã đẩy mạnh chỉ đạo các cấp, ngành tích cực rà soát đơn giản hóa TTHC, cắt giảm thời gian giải quyết, chi phí tuân thủ TTHC, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, góp phần giảm các chi phí không cần thiết cho cá nhân, tổ chức khi tham gia thực hiện TTHC, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Qua rà soát, từ 15/6/2021 đến 30/11/2023, UBND tỉnh Hà Nam đã đề xuất, kiến nghị một số bộ, ngành Trung ương đơn giản hóa 44 TTHC ở một số lĩnh vực: giao thông vận tải, kế hoạch và đầu tư, nội vụ, văn hoá, y tế, giáo dục và đào tạo, xây dựng... Riêng trong quý I năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành 15 quyết định công bố với tổng số 211 TTHC; đã cắt giảm 57/153 TTHC đạt 37,3%. Hiện tổng số TTHC trên địa bàn tỉnh là 1.723 thủ tục. Trong đó, cấp tỉnh 1.390 TTHC; cấp huyện 217 TTHC; cấp xã 116 TTHC. Tổng thời gian giải quyết/tổng thời gian quy định là 2.036/2.222 ngày, thời gian cắt giảm là 186 ngày bằng 8,4%.
Các TTHC Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành đều được công khai kịp thời trên Cơ sở dữ liệu TTHC tại Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thực hiện niêm yết công khai các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và Kiểm soát TTHC tỉnh; bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã theo quy định. Các hồ sơ được công khai, minh bạch quá trình giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh (https://dichvucong.hanam.gov.vn) từ bước tiếp nhận, giải quyết đến trả kết quả TTHC cho cá nhân, tổ chức; đồng thời tích hợp lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để công khai tỷ lệ giải quyết hồ sơ: hồ sơ đúng hạn, quá hạn...; kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia. Qua đó nhằm bảo đảm tính pháp lý, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện TTHC cũng như tiết kiệm chi phí tuân thủ TTHC ở địa phương.
Với mục tiêu đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành, địa phương tổ chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo hướng một đầu mối để thực hiện việc hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả cho cá nhân, tổ chức, đáp ứng yêu cầu giải quyết TTHC nhanh chóng, minh bạch, hiện đại và thân thiện, rút ngắn thời gian, tăng tính liên thông trong giải quyết. Đồng thời, bố trí công chức đủ tiêu chuẩn làm nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, số hoá hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và Kiểm soát TTHC tỉnh; bộ phận "một cửa" các cấp.
Đến thời điểm này, tỉnh cơ bản thực hiện các nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu và lộ trình được giao tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông trong giải quyết TTHC. Đến hết quý I/2024, số lượng các cơ quan, đơn vị thực hiện theo cơ chế "một cửa", "một cửa" liên thông trên địa bàn toàn tỉnh là 134 cơ quan, đơn vị. Kết quả giải quyết hồ sơ TTHC trong quý I/2024 tại các cấp chính quyền: Tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết đúng hạn là 96,68% (cấp tỉnh); 99,93% (cấp huyện); 99,91% (cấp xã). Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính: Tổng số phản ánh, kiến nghị đã tiếp nhận là 166 (đã giải quyết xong 145, trong đó, đã công khai 67, từ chối 78 phản ánh, kiến nghị).
Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; kết nối, chia sẻ dữ liệu liên thông Hệ thống DVC của lĩnh vực chuyên ngành với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh được tích cực triển khai, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết TTHC. Về cung cấp DVC trực tuyến, trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã cung cấp 1.724/1.734 TTHC; trong đó: 1.166 DVC trực tuyến toàn trình và 558 DVC trực tuyến một phần thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành và UBND cấp huyện, UBND cấp xã; đã tích hợp 1.141 TTHC DVC trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết TTHC nên chất lượng giải quyết hồ sơ đã có sự cải thiện rõ rệt, tỷ lệ giải quyết trước và đúng hạn chiếm tỷ lệ cao; cán bộ, công chức không vi phạm những hành vi không được làm trong giải quyết TTHC, ứng xử, giao tiếp phù hợp với quy chế văn hóa công sở; không phát sinh chi phí thực hiện TTHC ngoài quy định của pháp luật... Hiện hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Hà Nam cung cấp tổng số 1.711 bộ TTHC. Trong đó, 1.150 dịch vụ trực tuyến toàn trình; 486 DVC trực tuyến một phần và 75 DVC khác. Tổng số hồ sơ được tiếp nhận và cập nhật vào hệ thống năm 2023 là 189.718 bộ; giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,6%, trong đó có 167.787 bộ hồ sơ trực tuyến đạt 88,4%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 67,82%. Từ ngày 1/1 đến ngày 5/3/2024, tổng số hồ sơ tiếp nhận và cập nhật vào hệ thống là 26.682 bộ; giải quyết đúng và trước hạn đạt 98,12%, trong đó có 23.365 bộ hồ sơ trực tuyến đạt 87,57%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 67,82%.
Công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được các sở, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện tại bộ phận "một cửa" các cấp trên địa bàn tỉnh bước đầu đi vào nền nếp và đạt được kết quả tốt so với các năm trước. Quý I/2024, tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt tỷ lệ 82,20%; tỷ lệ TTHC số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 81,10%.
Để bảo đảm việc thực hiện công vụ của cán bộ công chức trong giải quyết TTHC, cung cấp DVC, hằng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã ban hành kế hoạch về kiểm tra công vụ, kiểm tra thực hiện công tác CCHC, trong đó có nội dung về cải cách TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Kịp thời đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh cán bộ, công chức, viên chức chưa thực hiện nghiêm các quy định trong giải quyết TTHC; đặc biệt là quy định về thời gian hẹn trả kết quả cho cá nhân, tổ chức. Việc đôn đốc, chấn chỉnh chủ yếu thông qua việc giao ban lãnh đạo, giao ban phòng hằng tuần, tháng, quý; thông qua cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị và qua hệ thống phần mềm quản lý văn bản.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát, bố trí cán bộ có năng lực chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, đạo đức tốt để giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm các TTHC, bảo đảm giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn. Đẩy mạnh hỗ trợ tư pháp, giải quyết vướng mắc, khó khăn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý về thuế, cơ chế chính sách mới, nhất là chính sách về đất đai, môi trường cho doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo nghị quyết của Chính phủ, các văn bản của bộ, ngành Trung ương và các chương trình, kế hoạch của tỉnh về công tác CCHC.