Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị trực tuyến Tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, xây dựng Chươn...

Tuyên truyền, Phổ biến Cải cách hành chính  
Hội nghị trực tuyến Tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030
Chiều ngày 18/3, tại trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, các cơ quan ở Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo một số cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ; thành viên Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; Phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương đến dự và đưa tin về Hội nghị.

Tham dự tại 63 điểm cầu ở địa phương có các đồng chí là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; lãnh đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Để đánh giá một cách toàn diện những kết quả đạt được, đồng thời, chỉ ra những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân và sự phát triển của đất nước, trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng đẩy mạnh hội nhập quốc tế, cũng như đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Hội nghị trực tuyến tập trung vào 4 nội dung chính: Thứ nhất, làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế và nguyên nhân của hạn chế tong quá trình triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 vừa qua. Thứ hai, phân tích, nhận định và đánh giá chuyên sâu một số nội dung cải cách hành chính như: cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Thứ ba, làm rõ những bài học kinh nghiệm trong triển khai cải cách hành chính trong giai đoạn vừa qua. Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ Nhân dân, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Thứ tư, đề xuất, “hiến kế” những nội dung chính của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, điều kiện thực tế Việt Nam và xu hướng của quốc tế.


Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, cải cách hành chính luôn là một nội dung quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng ta, trong chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Cải cách hành chính xuất phát từ đòi hỏi bức bách khi đất nước chuyển mạnh sang thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, với những cơ hội và thách thức mới, trong bối cảnh hội nhập và hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, với những thời cơ thuận lợi cũng như khó khăn thách thức đan xen nhau, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 kèm theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 với hệ thống các giải pháp và bước đi phù hợp nhằm mục tiêu xây dựng nền hành chính nhà nước Việt Nam dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hoá, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời với đó, cải cách hành chính đã được xác định là một trong 3 giải pháp quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, với mục tiêu và giải pháp thực hiện cải cách hành chính đúng đắn, có cơ sở, phù hợp với thực tế đã tạo ra sự thay đổi căn bản nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn bộ hệ thống cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương. Cải cách hành chính đã thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế; dân chủ hoá đời sống xã hội; hội nhập kinh tế quốc tế; củng cố và duy trì ổn định chính trị; phòng chống tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trong mười năm qua, cải cách hành chính đã được triển khai đồng bộ trên tất cả 6 nội dung: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hoá nền hành chính. Cụ thể:

Về công tác cải cách thể chế, được các cơ quan nhà nước trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao. Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã thường xuyên quan tâm, tập trung chỉ đạo xây dựng các thể chế thuộc phạm vi quản lý, đã chú trọng việc xây dựng các dự thảo luật, pháp lệnh trình Quốc hội và ban hành một số lượng lớn nghị định hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Thể chế về tổ chức bộ máy của hệ thống hành chính, về mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân, về cải cách hành chính, thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục được hoàn thiện, đổi mới. Đã đề cao các quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân tại các đạo luật trên các lĩnh vực từ dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Tổng số văn bản quy phạm pháp luật mà các Bộ đã ban hành từ năm 2012 đến nay là hơn 8.600 văn bản.

Về cải cách thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, đây được xác định là một khâu đột phá và đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính theo hướng đơn giản hoá, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của Nhân dân. Việc triển khai thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính; việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa dòng hàng đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11 năm 2020, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục hành chính, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền); bước đầu đạt được một số kết quả trong thực hiện Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020. Đã cắt giảm, đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã đạt được những kết quả rất tích cực, việc giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện, giảm thiểu tình trạng chậm muộn, nhũng nhiễu, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 97,37%.

Đối với cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, việc xây dựng và ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các bộ, ngành Trung ương về cơ bản khắc phục được những tồn tại, hạn chế của các giai đoạn trước, bổ khuyết những thiếu sót thể chế về tổ chức và bộ máy, bảo đảm bao quát đầy đủ chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ.

Một số địa phương đã báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh hoặc thí điểm điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương mình. Việc sắp xếp, kiện toàn, từng đợt tăng hoặc giảm tổ chức kể cả hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập ở các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp đã được thực hiện có kết quả.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, ở Trung ương, đã giảm 12 tổ chức cấp vụ và tương đương, giảm 4 tổng cục; 10 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ. Ở địa phương, tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Đà Nẵng; tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; đã giảm 5 cơ quan chuyên môn, gần 1.000 tổ chức cấp phòng, gần 130 tổ chức cấp chi cục, gần 1.200 tổ chức cấp phòng thuộc chi cục; cấp huyện giảm gần 300 tổ chức; giảm biên chế 8,7% so với năm 2015.

Về công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong giai đoạn 2011 - 2020, các quy định về cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được hoàn thiện đồng bộ trên tất cả các khâu từ tuyển dụng, sử dụng, bố trí, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch, thăng hạng. Các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện, bố trí công chức đảm bảo theo vị trí việc làm và tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức tương ứng với bản mô tả công việc, khung năng lực của từng vị trí. Việc thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý; việc tuyển dụng công chức, quản lý cán bộ, công chức, viên chức ứng dụng công nghệ thông tin; việc thu hút những người có tài năng vào làm việc trong các cơ quan nhà nước... bước đầu đạt kết quả tích cực.

Công tác quản lý cán bộ, công chức; đánh giá, phân loại công chức, viên chức, đặc biệt là việc chấn chỉnh công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức đã được đẩy mạnh triển khai thực hiện. Đã đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho 8,4 triệu lượt cán bộ, công chức. Cải cách chính sách tiền lương đã được quan tâm và đạt được những kết quả tích cực. Từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã từng bước điều chỉnh mức lương cơ sở đối với khu vực hưởng lương ngân sách phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước từ 730.000đ/tháng (năm 2011) lên 1.490.000đ/tháng (năm 2019).

Về công tác cải cách tài chính công, trong giai đoạn vừa qua, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được ban hành, đã từng bước góp phần hoàn thiện chính sách về thuế, thu nhập, tiền lương và chính sách an sinh xã hội, trở thành động lực phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt hơn công bằng xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Các cơ chế, chính sách về quản lý tài chính doanh nghiệp và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ và được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và tình hình thị trường, thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản nhà nước, tạo minh bạch trong công tác quản lý tài chính doanh nghiệp nhà nước. Bước đầu đã hình thành cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành và địa phương trong thực hiện các nội dung cải cách tài chính công; việc giám sát chi tiêu bằng quy chế chi tiêu nội bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực, làm tăng tính hiệu quả của chi tiêu công, hạn chế tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước, góp phần tăng cường kỷ luật tài chính, từng bước tăng tính minh bạch trong thực hiện ngân sách.

Về công tác hiện đại hóa nền hành chính, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số là điểm sáng thúc đẩy thay đổi lề lối, phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước. Cơ chế, thể chế, chính sách về khung pháp lý về xây dựng Chính phủ điện tử dần được hoàn thiện. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia tạo lập nền tảng Chính phủ điện tử từng bước được hoàn thiện, như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cổng dịch vụ công quốc gia, các Cơ sở dữ liệu quốc gia: về đăng ký doanh nghiệp, về bảo hiểm, về dân cư... đã được xây dựng, vận hành, tạo sự thay đổi rõ rệt về phương thức làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng như giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, giúp tiết kiệm hàng chục ngàn tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh “Với kết quả đạt được cho thấy, việc triển khai thực hiện Chương trình, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo để nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính. Song song với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương các cấp đã tập trung đẩy mạnh cải cách nền hành chính, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng; Quốc hội, đặc biệt là đã kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi bằng được tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; tập trung chỉ đạo cải cách tốt thủ tục hành chính, phân cấp mạnh và làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, khắc phục tình trạng chậm trễ, phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương công vụ, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để huy động mọi nguồn lực bảo đảm cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và thực hiện tốt tiến bộ công bằng xã hội. Thông qua đó, kết quả cải cách hành chính ở nước ta thời gian qua đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được Nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao”.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong cải cách hành chính giai đoạn vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ các hạn chế, yếu kém trên một số lĩnh vực cần tập trung có giải quyết khắc phục trong thời gian tới và đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích những kết quả đạt được. Qua đó, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, rút ra những bài học kinh nghiệm để từ đó đề xuất, xây dựng Dự thảo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 với những mục tiêu, nội dung mang tính cải cách nổi bật, có trọng tâm, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với khát vọng mãnh liệt về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.


Thủ tướng Chính phủ nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ và UBND tỉnh Quảng Ninh đã có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020

Thủ tướng Chính phủ nguyễn Xuân Phúc trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ phát biểu tại Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Một số hình ảnh tại Hội nghị:








Anh Cao - moha.gov.vn