Tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
Thời gian qua, nhiều vụ vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) bị phát hiện gây bức xúc trong dư luận xã hội, đòi hỏi có chế tài mạnh hơn, để ngăn chặn tận gốc vấn nạn này.
Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), thanh tra theo kế hoạch và đột xuất 21 cơ sở, phát hiện và xử phạt 13 cơ sở vi phạm về chất lượng, ATTP với tổng số tiền phạt 283,25 triệu đồng. Các bộ, ngành liên quan (NN và PTNT, công an) đã tổ chức đoàn công tác kiểm tra 14 cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm tại một số địa phương là Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Thanh Hóa, bắt quả tang và xử lý tám cơ sở thu mua, sơ chế và một doanh nghiệp chế biến tôm có chứa tạp chất; tổng số tiền phạt hơn 400 triệu đồng.
Tại các tỉnh, thành phố, lực lượng chức năng đã kiểm tra 25.493 cơ sở, phát hiện và xử phạt 1.379 cơ sở vi phạm về chất lượng, ATTP với tổng số tiền phạt 6,43 tỷ đồng. Chiều 17-7, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Hà Nam) phối hợp Đoàn thanh tra Sở NN và PTNT tỉnh kiểm tra đột xuất và phát hiện cơ sở kinh doanh hoa quả của anh Phạm Văn Tuấn (SN 1980, trú ở xã La Sơn, huyện Bình Lục) sử dụng hóa chất bơm vào các quả mít. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ hai hộp bìa chứa 40 tuýp hóa chất in chữ nước ngoài, gần 600 kg mít thành phẩm và một số tang vật liên quan. Thời điểm kiểm tra, anh Tuấn không xuất trình được giấy tờ liên quan nguồn gốc xuất xứ của số hóa chất nêu trên và khai nhận mua hóa chất ở Hà Nội về bơm vào mít với mục đích kích thích mít chín nhanh, tạo mùi thơm, vị ngọt rồi mang đi tiêu thụ ở Hà Nam và Hà Nội.
Trước đó, Công an huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cùng lực lượng quản lý thị trường tỉnh bất ngờ kiểm tra cơ sở sơ chế, thu mua trái cây Hùng Thuận, do ông Nguyễn Thành Tâm (34 tuổi, ở ấp Bảo Định, xã Xuân Định) làm chủ. Tại đây, lực lượng chức năng bắt quả tang nhân công đang quét một loại bột ướt, có mầu vàng vào cuống trái sầu riêng rồi đem nhúng vào thùng chứa nước nghi pha hóa chất. Sau đó, những quả sầu riêng này được đưa lên kệ để quạt khô, rồi đem dán tem và đóng thùng. Đoàn phát hiện tổng cộng hơn 800 thùng sầu riêng với tổng trọng lượng khoảng 14 tấn đã bị bôi, nhúng. Nguy hiểm hơn, hóa chất dùng để “thúc" sầu riêng chín ép có thành phần tồn dư lâu, phân hủy chậm, nếu tiếp xúc lâu dài có thể gây ung thư, ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản, gây vô sinh cho con người.
Thực tế nêu trên cho thấy, việc bảo đảm vệ sinh ATTP nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do chính sách pháp luật khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp tốt, bảo đảm vệ sinh ATTP đã được ban hành nhưng chưa đi vào thực tiễn sản xuất. Việc tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp, nhất là cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ tuân thủ quy định bảo đảm vệ sinh ATTP chưa thật sự hiệu quả. Việc thực thi pháp luật ATTP ở các cấp địa phương chưa đạt yêu cầu, nguồn lực ở một số nơi còn yếu kém, chưa xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm cũng như tạo động lực khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch. Quy trình thủ tục hướng dẫn các biện pháp bảo đảm ATTP còn nhiều vướng mắc. Một số đối tượng bán các sản phẩm bẩn vì muốn trục lợi vẫn chưa bị phát hiện, xử lý.
Để ngăn chặn tận gốc nạn thực phẩm bẩn, các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9-5-2016 về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP. Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, nhất là cho các đô thị lớn. Tổ chức sản xuất theo hướng tập trung bảo đảm ATTP, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, GMP, HACCP, ISO 22000...). Rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản theo hướng xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho từng nhóm sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng phù hợp, hài hòa với chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Cần tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, ATTP sâu hơn, dễ hiểu hơn; giải quyết tốt những bức xúc của xã hội, bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thanh tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm và công bố công khai các hành vi vi phạm. (Nhân dân, trang 2)
Phát triển kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn
So với mổ hở, phẫu thuật nội soi ít xâm lấn (PTNS) có nhiều ưu điểm: sẹo mổ nhỏ, ít đau sau mổ, rút ngắn thời gian nằm viện, hồi phục sức khỏe nhanh,… cho nên được nhiều bệnh viện và người bệnh chọn lựa.
Tại Bệnh viện (BV) Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, kỹ thuật PTNS được ứng dụng trong điều trị tất cả các bệnh lý van tim. Theo PGS, TS Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, người bệnh không phải mở toàn bộ xương ức mà chỉ cần một đường mở nhỏ để bảo đảm thiết lập hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể. Kỹ thuật này có ưu điểm vượt trội là giúp người bệnh ít đau đớn; sẹo mổ nhỏ, giúp giảm đi sự tự ti. Đến nay, BV Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công 200 ca phẫu thuật chỉnh sửa hoặc thay van tim ít xâm lấn với hiệu quả cao.
Mới đây, anh N.V.T. (49 tuổi), đến khám với triệu chứng khó thở khi gắng sức. Các bác sĩ chẩn đoán anh T. mắc bệnh van động mạch chủ và van hai lá nặng hậu thấp từ lâu. Việc điều trị bệnh van hai lá không khó, thế nhưng phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý van hai lá kèm với van động mạch chủ (hai van) khiến việc phẫu thuật nội soi gặp khó khăn hơn rất nhiều và người bệnh có khả năng phải chuyển sang mổ hở, chịu đựng hai vết mổ cùng lúc. Với sự quyết tâm, đội ngũ y, bác sĩ đã quyết định PTNS. Ca mổ diễn ra thành công tốt đẹp và người bệnh đã phục hồi tốt sau mổ chỉ với một vết sẹo nhỏ bên ngực trái.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Phước Thuyết, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV Hoàn Mỹ Sài Gòn cũng chia sẻ về hiệu quả trong điều trị cho chị T.T.K.L (40 tuổi) bị búi dị dạng động tĩnh mạch khoảng 3 cm tại thận phải. Các bác sĩ chỉ định điều trị nút búi dị dạng bằng keo sinh học dưới máy chụp mạch kỹ thuật số xóa nền. Kỹ thuật viên luồn một ống thông nhỏ khoảng 2 mm vào động mạch đùi tại vùng bẹn, luồn theo động mạch chủ bụng vào động mạch thận dưới hướng dẫn của màn hình tăng sáng. Sau đó, keo sinh học được bơm qua ống thông vào vùng trung tâm để nút tắc vĩnh viễn các mạch máu bất thường này. Bác sĩ Thuyết cho biết, với cách điều trị trước đây, người bệnh sẽ phải chịu phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ thận để loại bỏ hoàn toàn búi dị dạng. Tuy nhiên, ngày nay, dị dạng động tĩnh mạch có thể điều trị bằng thủ thuật can thiệp nội mạch, giúp giữ lại thận cho người bệnh. Đây là thủ thuật xâm lấn tối thiểu, người bệnh chỉ được gây tê vùng bẹn, không cần phải gây mê, vì vậy giảm đáng kể rủi ro và tác hại.
Mới đây, BV Pháp Việt cũng áp dụng thành công kỹ thuật tái tạo khớp cùng đòn bằng phẫu thuật ít xâm lấn. Kỹ thuật này cho phép đưa neo cố định vào xương đòn và mỏm quạ với hai vòng chỉ khâu quấn mà không cần dựa vào hình ảnh nội soi khớp. Mục đích để nắn chỉnh và cố định khớp cùng-đòn bị trật bằng neo và chỉ khâu buộc nhiều vòng. Bác sĩ sẽ khoan một đường hầm xương đòn-mỏm quạ bằng dụng cụ đặc biệt và đặt neo chỉ ngay dưới xương mỏm quạ. Kỹ thuật này cho kết quả tốt đối với các trường hợp trật khớp mỏm cùng vai nhưng nhẹ nhàng hơn so với mở một đường mổ hở dài 8 cm. Đây là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu với đường mổ nhỏ, kích thước từ 2 cm đến 3 cm, người bệnh không phải trải qua cuộc mổ lấy dụng cụ sau này.
Đến nay, BV Chợ Rẫy là đơn vị đầu tiên ở khu vực Đông - Nam Á triển khai lấy thận hiến (trên người cho còn sống) bằng rô-bốt phẫu thuật. Trường hợp đầu tiên giữa người hiến là Dương Xuân T. (53 tuổi) và người nhận là Nguyễn Văn V. (55 tuổi). Sau bốn giờ, phẫu thuật bằng cánh tay rô-bốt, các bác sĩ đã lấy thành công thận hiến để thực hiện cuộc ghép. Ca ghép tiếp theo, ông Nguyễn Văn T. (50 tuổi) hiến thận ghép cho con gái Nguyễn Thị Diễm T. (28 tuổi). Các bác sĩ đã thao tác với cánh tay rô-bốt cho nên rút ngắn thời gian lấy thận xuống còn 3 giờ 45 phút. Kỹ thuật này đã giúp người bệnh mất máu ít (không cần truyền máu bổ sung), không bị biến chứng, đường mổ nhỏ, thời gian nằm viện chỉ hai ngày, trong khi mổ hở phải nằm viện khoảng một tuần. BV Chợ Rẫy đang kiến nghị sớm được duyệt kỹ thuật vào danh mục bảo hiểm y tế để nâng cao chất lượng chuyên môn cho những ca hiến và ghép thận. (Nhân dân, trang 5)
Công an Hà Nội phá đường dây lừa đảo môi giới mua bán thận
Ngày 22-8, Phòng CSHS - CATP Hà Nội cho biết, Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đã khởi tố vụ án và thực hiện quyết định tạm giữ hình sự 2 đối tượng chính trong đường dây lừa đảo dưới hình thức môi giới mua bán thận…
“Tội phạm lừa đảo với phương thức thủ đoạn mới, “tung' số điện thoại lên mạng xã hội để rao bán thận, nhằm mục đích dụ dỗ những người bệnh có nhu cầu mua thận, rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản" - Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng CSHS, CATP Hà Nội cho biết.
Chờ ca ghép thận ở “trên mây"
Anh Dương Văn Minh (SN 1989), quê ở Bắc Giang, mắc bệnh suy thận và cần tìm người bán thận để mua. Thông qua mạng xã hội (Facebook - FB), anh Minh biết Trương Minh Ngọc (SN 1986), trú tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ hoạt động môi giới mua bán thận trên địa bàn thành phố. Đầu tháng 6-2018, anh Minh liên lạc với Ngọc qua số điện thoại được quảng cáo trên FB và cho biết mình đang bị suy thận, muốn nhờ Ngọc tìm giúp người bán thận để mua.
Sau khi trao đổi với nhau qua điện thoại và đi đến sự thống nhất giữa hai bên, 13h30 ngày hôm đó, Ngọc hẹn gặp và đưa cho người nhà anh Minh biên lai thu tiền tạm ứng của 1 bệnh viện đa khoa quốc tế ở Hà Nội, trong biên lai ghi anh Dương Văn Minh đã đóng số tiền 150 triệu đồng để được làm thủ tục ghép thận.
Tối hôm sau, Ngọc tiếp tục yêu cầu anh Minh đưa 50 triệu đồng để làm thủ tục ghép thận. Nhằm tạo niềm tin cho anh Minh, Ngọc bố trí một nam thanh niên dẫn anh Minh vào bệnh viện để khám điện tim và siêu âm tim rồi hẹn về nhà chờ ngày lên bàn mổ.
Đang thấp thỏm chưa biết lúc nào được ghép thận trong khi sức khỏe ngày một suy kiệt, giữa tháng 6-2018, anh Minh bất ngờ nhận được yêu cầu của Ngọc phải đưa thêm 90 triệu đồng để “lót tay" cho bác sỹ thì việc ghép thận mới nhanh được. Sau đó, Ngọc giới thiệu cho anh Minh đến bệnh viện gặp một nam y tá và được người này cho xem chỉ số kháng nguyên (HLA) để biết người mua, bán thận có phù hợp ghép thận hay không… mục đích là tạo thêm niềm tin cho anh Minh để người bệnh đưa thêm số tiền 90 triệu đồng cho Ngọc.
Cuối tháng 6-2018, chờ mãi không thấy bệnh viện gọi đến ghép thận, anh Minh nghi ngờ bị lừa đảo đã điện thoại cho Ngọc hỏi về giấy biên lai thu tiền tạm ứng của anh không có tên trong danh sách ghép thận của Khoa thận tại bệnh viện và không nhận được trả lời từ phía người môi giới quen biết thông qua FB. Từ đó đến nay, Ngọc không liên lạc và cũng không trả lại số tiền đã yêu cầu anh Minh và gia đình bệnh nhân bị suy thận đưa trước đó.
Theo dấu vết tội phạm
Trao đổi với Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng CSHS - CATP Hà Nội, phóng viên Báo ANTĐ nắm được trong những ngày đầu tháng 6-2018, lực lượng CSHS - CATP đang tích cực triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an và Giám đốc CATP về tăng cường phát hiện, tập trung đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trên địa bàn thành phố. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc có dấu hiệu nghi vấn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua môi giới mua bán thận, Phòng CSHS - CATP Hà Nội đã báo cáo xin ý kiến Giám đốc CATP cho xác lập chuyên án đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân.
“Chỉ huy Phòng CSHS đã giao việc xác lập và đấu tranh chuyên án này cho Đội Chống tội phạm mua bán người triển khai thực hiện. Các trinh sát đã tập trung thời gian nghiên cứu, tìm hiểu quy luật hoạt động của đối tượng môi giới mua bán thận có số điện thoại đăng trên FB và lần được manh mối của người có tên Trương Minh Ngọc, quê ở Phú Thọ, sống lang thang tại Hà Nội và thường xuất hiện ở khu vực phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng. Từ đây, các chiến sỹ Đội Chống tội phạm mua bán người đã tìm được chìa khóa để giải mã vụ án" - Trưởng phòng CSHS, CATP Hà Nội cho biết.
Cùng với việc lần tìm tung tích người môi giới mua bán thận, cơ quan điều tra đã tổ chức thu thập thêm những thông tin liên quan đến vụ án và được anh Minh cho biết trong lúc suy kiệt vì nghi bị Ngọc lừa đảo, anh Minh đã nhờ nam y tá cho mình xem chỉ số HLA, tìm người bán thận để mua. Y tá có tên Tuấn Anh đã báo giá cho anh Minh phải mất 65 triệu đồng để làm thủ tục đi xét nghiệm lại và anh Minh đồng ý đưa số tiền trên cho Tuấn Anh. Tuy nhiên, cũng giống với người môi giới Trương Minh Ngọc, sau khi cầm tiền của người bệnh, Tuấn Anh không liên lạc và cũng chẳng hồi âm kết quả cho anh Minh biết.
Theo chỉ huy Đội Chống tội phạm mua bán người, trong quá trình rà soát đối tượng nghi vấn liên quan đến vụ án, cơ quan điều tra đã phát hiện Tuấn Anh không phải là y tá bệnh viện và lai lịch nhân thân đối tượng này được làm rõ là Trần Tuấn Anh (SN 1995), trú tại xã Cống Chính, huyện Nông Cống, Thanh Hóa, hiện thuê trọ tại phố Trần Phú, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội.
Trần Tuấn Anh và Trương Minh Ngọc có mối quan hệ khá thân thiết với nhau và đều có liên quan đến vụ môi giới mua bán thận “bất thành" với anh Minh. Căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ và trình báo của người bị hại, Ngày 9-8-2018, Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn môi giới mua bán thận" và tạm giữ hình sự các đối tượng Trương Minh Ngọc, Trần Tuấn Anh để điều tra, làm rõ vụ án.
Cảnh giác với giao dịch ngoài bệnh viện
Khi bị cơ quan điều tra bắt giữ, Ngọc và Tuấn Anh khai do nhận thấy nhiều người trong xã hội có nhu cầu mua và bán thận, Ngọc đã đăng số điện thoại di động cá nhân lên FB, giới thiệu thông tin về những người có nhu cầu mua và bán thận để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Do trước đây Ngọc và Tuấn Anh đã từng làm hồ sơ đăng ký bán thận, nên rất am hiểu lĩnh vực này và tìm mọi cách để dụ dỗ, đưa người bị hại vào bẫy. Giúp sức cho Ngọc và Tuấn Anh còn có các đối tượng Lê Nam (SN 1998), ở tỉnh Gia Lai và Phạm Văn (SN 1992), ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Nam và Văn đều là sinh viên và cũng từng có thời gian đăng ký làm hồ sơ bán thận với giá 150 triệu đồng/ quả. Riêng Tuấn Anh và Nam trước đây đã làm xong hồ sơ bán thận, nhưng do phía đối tác yêu cầu sang Campuchia mổ ghép thận nên Tuấn Anh và Nam đã từ bỏ ý định vì sợ gặp rủi ro tại đất khách quê người.
Với màn kịch môi giới mua bán thận do Ngọc đạo diễn, Tuấn Anh được phân công nhập vai là y tá bệnh viện, Nam và Văn trong vai những người giúp việc cho Ngọc đưa và dẫn bệnh nhân đi khám, nên anh Minh đã dễ dàng sa bẫy của các đối tượng lừa đảo.
“Cũng trong quá trình điều tra ban đầu, 4 đối tượng trên đều khai đã cùng nhau thực hiện hành vi môi giới mua bán thận cho khoảng 40 người trên địa bàn thành phố. Ai là bị hại trong các vụ lừa đảo bằng thủ đoạn môi giới mua bán thận do Ngọc cùng đồng bọn gây ra, liên hệ với Đội Chống tội phạm mua bán người, Phòng CSHS - CATP Hà Nội để cung cấp tài liệu phục vụ công tác điều tra của cơ quan công an" - Chỉ huy Đội Chống tội phạm mua bán người chia sẻ.
Theo Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng CSHS - CATP Hà Nội, tội phạm đã lợi dụng nhu cầu được ghép thận của nhiều người trong xã hội để thực hiện thủ đoạn lừa đảo dưới hình thức môi giới ghép thận. Các đối tượng lợi dụng việc bệnh nhân và người nhà của họ không nắm được quy trình khám chữa bệnh, xét nghiệm và tâm lý không muốn mệt mỏi chờ đợi ghép thận làm mất thời gian, dẫn đến tin tưởng mù quáng để nhờ người môi giới được tìm thấy trên FB, rồi thực hiện hành vi lừa đảo.
Do vậy, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mắc bệnh thận cần cảnh giác không tự ý làm quen, thực hiện việc khám và xét nghiệm thông qua dịch vụ và các đối tượng không phải là cán bộ, y tá, Bác sỹ thuộc các bệnh viện chuyên khoa thận.
Đối với các bệnh viện cần tăng cường quản lý chặt chẽ các bước khám, xét nghiệm cho bệnh nhân, không để đối tượng lừa đảo lợi dụng sơ hở hoạt động phạm tội. Bên cạnh đó, bệnh viện phối hợp với công an cơ sở và cơ quan chức năng chủ động nắm thông tin và phòng ngừa các hoạt động tội phạm, tuyên truyền cho bệnh nhân và người nhà của họ đề cao cảnh giác.
* Tên người bị hại được thay đổi. (An ninh Thủ đô, trang 1)
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trong cớ chế tự chủ tài chính: Bác sĩ bệnh viện công thu nhập trên 100 triệu đồng/ tháng
Dù đội ngũ cán bộ, nhân viên rất đông với hơn 1.500 người nhưng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đang duy trì được mức thu nhập bình quân đầu người trong toàn viện lên tới trên 20 triệu đồng/ tháng, nhiều bác sĩ có thu nhập trên 100 triệu đồng/ tháng…
So với các bệnh viện công khác của thành phố Hà Nội, con số thu nhập kể trên của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ nhân viên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được đánh giá là mức đáng mơ ước. Cần nhấn mạnh thêm rằng, đó là nguồn thu nhập chính thống mà các y bác sĩ được ngân quỹ của bệnh viện chi trả, chứ không phải bao gồm cả các nguồn thu “ngoài luồng" khác.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Khắc Huỳnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thẳng thắn chia sẻ, thực sự có nhiều bác sĩ giỏi của bệnh viện hiện đang có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/ tháng và đây là con số chính thức mà chính Giám đốc bệnh viện đã báo cáo với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong một buổi thị sát của Bộ trưởng tại bệnh viện gần đây.
Theo ông Huỳnh, thực hiện chỉ đạo của thành phố về việc đẩy mạnh cơ chế tự chủ kinh phí thường xuyên, xã hội hóa, từ ngày 1-1-2017, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính, tự đảm bảo chi tiêu thường xuyên.
Lúc bắt đầu tự chủ tài chính, đương nhiên gặp nhiều khó khăn, sự thay đổi là rất rõ ràng, từ tư duy đến hành động. Trong các cuộc họp, lãnh đạo bệnh viện đều bàn rất kỹ các giải pháp để có thể tự chủ thành công, trong đó xác định phải chuyển hẳn từ tư duy bao cấp sang tư duy làm thị trường, cạnh tranh, và bệnh viện sẽ phải hoạt động giống như một doanh nghiệp thực thụ.
“Khi tự chủ bệnh viện, khi không còn ngân sách nhà nước cấp cho nữa, câu hỏi đầu tiên và đau đầu nhất mà ban giám đốc bệnh viện luôn trăn trở là phải làm sao để có tiền duy trì hoạt động bệnh viện, chi trả cho cán bộ nhân viên. Với tính chất của bệnh viện, chúng ta không thể làm những điều phi pháp, không thể kinh doanh những mặt hàng, những dịch vụ phi y tế được.
Vì vậy, con đường duy nhất là phải lấy người bệnh làm trung tâm, xác định người bệnh là khách hàng mang lại nguồn thu cho bệnh viện. Nếu bệnh nhân sử dụng bảo hiểm y tế thì nguồn bảo hiểm y tế sẽ chi trả cho bệnh viện. Muốn coi người bệnh là khách hàng thì không chỉ nói suông mà phải làm hài lòng người bệnh. Chính người bệnh là người nuôi dưỡng bệnh viện và các nhân viên y tế, là sự sống còn của bệnh viện" – bác sĩ Đỗ Khắc Huỳnh kể lại.
Chia sẻ kỹ hơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, một trong những giải pháp đầu tiên mà Bệnh viện xác định phải thực hiện ngay khi tự hạch toán độc lập tài chính là phải tăng cường các hoạt động đào tạo, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Với những bệnh nhân mong muốn khám tự nguyện, có nhu cầu khám, sử dụng dịch vụ chất lượng cao thì bệnh viện phải xây dựng các khu khám chữa bệnh theo yêu cầu, các phòng khám dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng. Những người bệnh có điều kiện kinh tế, muốn hưởng thụ dịch vụ y tế chất lượng cao hơn, chẳng hạn vào viện mong muốn phải được nằm phòng 1-2 giường bệnh, có điều hòa, nhà vệ sinh khép kín, có người chăm sóc… thì bệnh viện cũng sẽ đáp ứng được.
“Nói cách khác là phải đa hình thái các loại hình dịch vụ. Song cũng cần nhấn mạnh là không phải đa dạng hóa các loại hình dịch vụ chỉ hướng đến người bệnh “có tiền" mà phải phục vụ mọi đối tượng bệnh nhân" – bác sĩ Huỳnh nói.
Điều cần nhấn mạnh nữa, để đa dạng hóa các loại hình dịch vụ thành công thì không chỉ có đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị mà quan trọng nhất vẫn phải là có bác sĩ giỏi. Có nhiều bác sĩ giỏi thì mới sử dụng, ứng dụng được nhiều dịch vụ kỹ thuật cao.
Chính vì thế, ngay từ khi chuẩn bị cho lộ trình tự chủ bệnh viện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã quan tâm xây dựng một đội ngũ cán bộ nhân viên vừa chuyên vừa hồng, nâng cao cả về chuyên môn nghiệp vụ và y đức, thái độ phục vụ người bệnh. Đặc biệt, bệnh viện có chính sách khuyến khích các tài năng, sẵn sàng thu hút người tài, các bác sĩ giỏi từ các cơ sở y tế khác, các tỉnh thành khác về “đầu quân".
Hiện tại, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thực hiện được tất cả các kỹ thuật cao về chuyên ngành sản phụ khoa mà các bệnh viện đầu ngành trong nước có thể thực hiện. Bình quân mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng từ 100 – 130 bệnh nhân đến sinh đẻ; tổng ca phẫu thuật trên 100 ca/ngày. Ước tính trong năm 2017, doanh thu đạt khoảng 900 tỷ đồng.
“Nếu những bác sĩ giỏi, có tài năng, có uy tín, thậm chí bằng uy tín cá nhân của mình mà thu hút được rất nhiều bệnh nhân về điều trị tại bệnh viện, mong muốn được bác sĩ đó trực tiếp điều trị, thì bệnh viện rất khuyến khích và sẵn sàng có cơ chế đãi ngộ xứng đáng. Tôi xin khẳng định, những bác sĩ giỏi, có uy tín thực sự hiện đang công tác tại bệnh viện thì thu nhập rất cao" – Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thẳng thắn.
Tương tự, thu nhập bình quân đầu người của toàn thể y bác sĩ, cán bộ nhân viên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng đã được nâng lên một tầm cao mới sau khi thực hiện tự chủ tài chính. Đến nay, bệnh viện có khoảng trên 1.500 cán bộ nhân viên. Thu nhập bình quân đầu người của cán bộ, nhân viên bệnh viện đạt trên 20 triệu đồng/ người/tháng. (An ninh Thủ đô, trang 1)
Bộ trưởng Y tế chỉ đạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ y tế sau khi điều chỉnh giá dịch vụ theo Thông tư 15/2018/TT-BYT và sử dụng có hiệu quả Quỹ bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/ thành phố, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn quốc thực hiện nghiêm túc các giải pháp nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ trưởng Y tế yêu cầu các cơ sở y tế bố trí, điều tiết nhân lực và các buồng khám phù hợp với nhu cầu khám bệnh của người dân. Đối với việc khám, cấp thuốc điều trị ngoại trú cho người mắc bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, các cơ sở y tế tuyến trên phải tuyên truyền, giải thích, tư vấn và chuyển người bệnh về tuyến y tế cơ sở để theo dõi, quản lý, cấp phát thuốc. Các đơn vị y tế tuyến cơ sở phải báo cáo Sở Y tế để bảo đảm đủ thuốc, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về chuyên môn để y tế cơ sở thực hiện việc theo dõi, quản lý, điều trị đối với các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính theo phân tuyến. Tiếp tục thực hiện nghiêm và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình khám bệnh, giảm thủ tục hành chính và giảm thời gian chờ khám bệnh.
Các bệnh viện tuyến trên phải tập trung khám, chữa các bệnh theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, các bệnh mà tuyến dưới không thực hiện được; phải tuyên truyền, vận động, tư vấn để các trường hợp đến khám, kiểm tra sức khỏe nhưng không cần điều trị hoặc tái khám ở bệnh viện tuyến trên thì phải giới thiệu, tư vấn để người dân đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế tuyến dưới, nhất là tuyến y tế cơ sở để vừa bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT, vừa giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Đối với việc chỉ định sử dụng dịch vụ, chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú, Giám đốc các cơ sở khám, chữa bệnh phải tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm, đúng các quy định chuyên môn trong việc chỉ định các dịch vụ cận lâm sàng; tăng cường điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày, chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú theo đúng quy định; nâng cao chất lượng điều trị để giảm thời gian điều trị nội trú của người bệnh..
Thực hiện đúng quy định về danh mục, tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, tăng cường và thường xuyên kiểm tra để tránh các trường hợp áp dụng sai mức giá dịch vụ, giá thuốc, vật tư y tế, tính sai số ngày điều trị nội trú… (An ninh Thủ đô, trang 2)
Hai trẻ nhỏ nguy kịch, suy đa phủ tạng do bị ong đốt
Chỉ trong 1 ngày, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 3 trẻ cùng nhập viện do bị ong đốt, trong đó có 2 bé hiện đang trong tình trạng suy đa phủ tạng, suy hô hấp, suy tuần hoàn và phải lọc máu liên tục.
Ngày 22-8, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin cho biết, hiện bệnh viện đang điều trị cho 3 cháu bé trong tình trạng rất nặng do bị ong đốt.
Trường hợp đầu tiên là bé Hoàng (5 tuổi, Hải Dương). Gia đình cho biết cháu Hoàng bị ong đốt trong lúc cùng các bạn chọc phá tổ ong. Sau khi bị đốt, bé có dấu hiệu tím tái, khó thở, được thầy giáo đưa đến Bệnh viện Nhi Hải Dương cấp cứu. Tại đây, mặc dù đã các bác sĩ đã tiến hành xử trí hỗ trợ hô hấp, truyền dịch nhưng tình trạng sức khỏe không cải thiện.
Khi được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi này đã trong tình trạng rất nguy kịch. Trẻ được chẩn đoán sốc phản vệ do biến chứng ong đốt, có suy đa phủ tạng (vô niệu, suy thận cấp, suy gan, rối loạn chức năng đông máu). Các bác sĩ đã chỉ định cho trẻ thở máy, điều trị sốc phản vệ và lọc máu liên tục. Hiện cháu vẫn đang được theo dõi tích cực.
Nhập viện cùng ngày với bé Hoàng là hai anh em Tú (10 tuổi) và Vân (8 tuổi), người dân tộc Mông, ở Lào Cai. Theo lời kể của gia đình, trong lúc chơi đùa, hai bé vô tình làm vỡ tổ ong và đều bị ong đốt sưng nề vùng mặt. Gia đình đã đưa các cháu đến bệnh viện tỉnh điều trị. Xét nghiệm chức năng thận cho thấy cả hai cháu đều suy thận nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận thấy tình trạng sức khỏe của cháu Tú khả quan hơn: trẻ vẫn tiểu tiện được, qua theo dõi 24h thấy trẻ vẫn đáp ứng điều trị nội khoa nên đã chuyển cháu về khoa Thận-Tiết niệu để theo dõi suy thận.
Còn bé gái 8 tuổi không may mắn như anh mình. Cháu bị hơn 50 vết ong đốt. Sau 7 tiếng nhập viện, cháu xuất hiện khó thở thanh quản do phù nề đường hô hấp, phải hỗ trợ thở máy. Bệnh nhi này còn có biến chứng suy đa phủ tạng: suy thận, suy gan, rối loạn đông máu. Cháu được chỉ định lọc máu liên tục và chăm sóc tích cực tại khoa Hồi sức cấp cứu.
Theo TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Nhi Trung ương, khi bị ong đốt, người bị nạn phải hết sức bình tĩnh, cần tìm chỗ tránh ngay, không vung tay xua đuổi ong loạn xạ càng thu hút số lượng ong tới nhiều hơn. Trong trường hợp trẻ bị bị ong chích, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và theo dõi điều trị.
Cũng theo TS Tuấn, ngay sau khi bị ong chích, cần rửa sạch các vết chích bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng và dùng kềm nhỏ để rút hết các vòi chích của ong ra; đắp khăn lạnh hay túi chườm nước đá lên vùng sưng nề khoảng 15-20 phút có thể giúp giảm đau giảm đau và giảm phù nề. (An ninh Thủ đô, trang 4)
Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 2: “3 trẻ nguy kịch vì bị ong đốt"