Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Y tế

Tiếp cận thông tin Chuyển đổi số  
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Y tế
Chuyển đổi số Y tế là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, thời gian qua, ngành y tế Hà Nam đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, Chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý và khám chữa bệnh một cách tổng thể và toàn diện, tạo sự thay đổi tích cực trong hoạt động y tế, từ quản trị đến khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Hoạt động này đã giúp các cơ sở y tế tiết kiệm thời gian, nhân lực, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian khám chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Thực hiện Quyết định 1516  ngày 09/8/2022 của UBND tỉnh Hà Nam về việc phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Y tế Hà Nam đã ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số, phát triển chính quyền số và ứng dụng công nghệ thông tin ngành Y tế Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh và ngành y tế, các đơn vị y tế trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình hoạt động đơn vị . Để hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế, thời gian qua, các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động quản lý, khám, chữa bệnh đã được các đơn vị Y tế trong tỉnh tích cực thực hiện.

Hiện nay hầu hết các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Hiện nay hầu hết các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin (như nâng cấp mạng LAN, nâng cấp dung lượng đường truyền internet, trang bị máy quét mã vạch quét thẻ bảo hiểm y tế, khai báo y tế...) cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Các đơn vị đã đầu tư hệ thống phần mềm Quản lý bệnh viện, giúp quy trình KCB cho nhân dân được thuận tiện, dễ dàng, nhanh chóng, đồng bộ... Bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hầu hết các cơ sở KCB đã có sự đầu tư về máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin và từng bước số hóa trong hoạt động, tạo điều kiện giúp các đơn vị chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

Bác sĩ Nguyễn Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Duy Tiên cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế về thực hiện chuyển đổi số, Trung tâm đã thực hiện áp dụng việc đăng ký khám chữa bệnh bằng Căn cước công dân gắn chíp điện tử, cấp giấy chứng sinh, giấy chứng tử, cấp giấy phép lái xe, sử dụng chữ ký số trong hoạt động… 

Để đáp ứng và nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, hiện nay, các đơn vị Y tế đã nỗ lực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong các hoạt động. Việc triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của ngành Y tế không chỉ có ý nghĩa đối với công tác quản lý, điều hành; cải cách quy trình khám chữa bệnh công khai, minh bạch; theo dõi thông tin bệnh nhân chính xác hơn mà còn giảm phiền hà cho người bệnh, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh hơn, theo dõi quy trình khám chữa bệnh thuận tiện, chính xác, từ đó giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn. Khi đăng ký khám chữa bệnh, nhờ phần mềm VssID và thẻ căn cước công dân gắn chíp, người dân có nhiều thuận lợi, việc đăng ký khám, lấy số và thanh toán rất nhanh gọn, thuận tiện, giảm nhiều thủ tục, giảm thời gian chờ đợi khi đến khám chữa bệnh.

Bác sỹ Trương Văn Trự - Giám đốc TTYT thành phố Phủ Lý chia sẻ, việc sử dụng CCCD gắn chíp điện tử khi đến làm thủ tục KCB rất tiện lợi cho đơn vị cũng như giúp người bệnh làm thủ tục thuận lợi, nhanh chóng. Thay vì  phải mất nhiều thời gian để chờ làm thủ tục lấy sổ khám bệnh và chờ đợi kết quả như trước đây, giờ đây, mỗi bệnh nhân đến đăng ký khám chỉ cần trình căn cước công dân gắn chip rồi bệnh nhân lên cửa phòng khám ngồi chờ đến lượt khám bệnh. Mọi thủ tục đều được nhân viên y tế thao tác trên máy tính một cách nhanh chóng và chính xác, rút ngắn được thời gian chờ đợi cho người dân, tạo thuận lợi cho các y bác sĩ, hạn chế tình trạng sai sót trong việc thăm khám, trả kết quả cho bệnh nhân, mang lại sự hài lòng cho người bệnh.

Nói về những tiện lợi mà chuyển đổi số bước đầu mang lại cho người dân khi đi khám, chữa bệnh, bà Trần Thị Mai, tổ 9 phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý vui vẻ cho biết, giờ đây khi đi khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế thấy làm thủ tục rất nhanh, hoàn toàn thao tác trên máy và nhân viên y tế hỗ trợ, hướng dẫn người bệnh nhiệt tình.

Làm thủ tục đăng ký khám chữa bệnh cho bệnh nhân tại TTYT Thành phố Phủ Lý

Chuyển đổi số được xem là giải pháp hiệu quả không chỉ thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho người khám mà còn giúp cán bộ, nhân viên y tế nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Trước đây, khi sử dụng bệnh án giấy, mất nhiều thời gian cho việc ghi chép, ghi giấy, dán giấy, tìm hồ sơ... nhưng từ khi triển khai hồ sơ bệnh án điện tử việc tìm bệnh án tiện lợi, nhanh chóng. Bên cạnh đó, cán bộ y tế dễ dàng tiếp cận được các kiến thức khoa học mới, kỹ thuật mới; giảm thiểu được các nguy cơ sai sót ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn cho người bệnh; các dữ liệu bệnh án điện tử được kết nối và liên thông với nhau giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, các hoạt động y tế từ xa với các bệnh viện tuyến trên được hỗ trợ tư vấn KCB từ xa… 

Chuyển đổi số trong y tế là bắt buộc, là xu hướng chung nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ trong khám, chữa bệnh. Các cơ sở y tế tư nhân cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Xác định đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS có vai trò quan trọng nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, Bệnh viện đa khoa Hà Nội Đồng Văn đã xây dựng nhiều hệ thống phần mềm ứng dụng CNTT trong quản lý các hoạt động, từng bước tiến tới CĐS trong mọi hoạt động của bệnh viện. Theo đó, bệnh viện đã ký hợp đồng với VNPT xây dựng phần mềm khám chữa bệnh BHYT kết nối liên thông dữ liệu báo cáo BHXH đều đặn, đúng kỳ hạn, duy trì hoạt động mạng nội bộ, Website, Fanpage của bệnh viện, sử dụng phần mềm Viettel His trong công tác quản lý điều hành, bổ sung phần mềm quản lý khám bệnh ngoại tuyến. Bệnh viện đã xây dựng nhiều phần mềm như: hệ thống quản lý thông tin bệnh nhân (HIS); hệ thống quản lý kết quả cận lâm sàng (RIS); hệ thống kết nối tự động máy xét nghiệm 2 chiều (LIS); hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS)... Các phần mềm được xây dựng đều đã qua khảo sát của các bác sĩ, sát với nhu cầu của người dùng hơn, phục vụ hiệu quả công tác khám chữa bệnh.

Quét thẻ CCCD gắn chíp điện tử để làm thủ tục đăng ký khám chữa bệnh cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nam, việc ứng dụng CNTT tại các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đang dần kết nối các dữ liệu y tế, hình thành một nền tảng hạ tầng y tế số. Hiện nay, 100% các đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đã được trang bị máy tính, có kết nối Internet, đáp ứng được yêu cầu trao đổi dữ liệu, kết nối với các đơn vị trong và ngoài ngành. Tất cả cơ sở KCB đã ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện VNPT-HIS và thực hiện kết nối liên thông dữ liệu KCB và thanh toán BHYT với cơ quan bảo hiểm xã hội qua hệ thống giám định điện tử. Việc gửi/nhận văn bản qua thư điện tử được đẩy mạnh giữa các đơn vị trong và ngoài ngành. Cùng với đó, Ngành Y tế đang phối hợp với VNPT và ngân hàng BIDV Chi nhánh Hà Nam triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt thông qua ứng dụng phần mềm VNPT His tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam. Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh xây dựng các quy trình và tổ chức tuyên truyền về lợi ích của phương thức thanh toán này tới người bệnh và người nhà người bệnh; bố trí, sắp 5 xếp bộ phận tiếp đón, hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện; thiết kế, lắp đặt hệ thống bảng, biển thông báo đặt tại các khoa, phòng hướng dẫn quy trình thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.

Có thể thấy chuyển đổi số đang mang lại những giá trị và cơ hội được khám chữa bệnh hiện đại, hiệu quả và nhanh chóng hơn trước đây. Để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân, thời gian tới, ngành y tế tiếp Hà Nam tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước đồng thời tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong y tế, thực hiện các giải pháp nhằm hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở KCB. Những nỗ lực trong chuyển đổi số y tế đã giúp ngành Y tế Hà Nam tiết kiệm thời gian, nhân lực, nâng cao hiệu quả, năng suất làm việc, rút ngắn thời gian khám, chữa bệnh, giảm các thủ tục hành chính, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


https://hanamtv.vn/day-manh-chuyen-doi-so-trong-nganh-y-te-30496.html