Skip Ribbon Commands
Skip to main content

BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG

Tin Y tế Tin cần biết  
BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG
Bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm vi rút cấp tính do muỗi vằn truyền. Hiện nay, bệnh vẫn không có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng nên có thể dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Mọi người đều có thể bị mắc bệnh từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn.

Sốt xuất huyết là gì?

Bệnh sốt xuất huyết có hai thể: Sốt dengue và sốt xuất huyết dengue, bệnh có những biểu hiện khác nhau tùy mức độ nhiễm bệnh của từng người.

Dấu hiệu cơ bản nhất của bệnh sốt xuất huyết.

- Sốt cao:

Biểu hiện đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết là tình trạng sốt cao. Sốt 39 - 40oC, đột ngột, liên tục trong 3 đến 4 ngày liền, người bệnh mệt mỏi, phát ban, buồn nôn…

- Xuất huyết: Xuất huyết thường ở nhiều dạng.

+ Xuất huyết dưới da (Lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm).

+ Chảy máu cam, chảy máu chân răng.

+ Nôn hoặc đi đại tiện ra máu (nước ói màu nâu, phân như bã cà phê hoặc đỏ tươi).

+ Rong kinh ở phụ nữ, phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết vào thời điểm chuyển dạ lại càng nguy hiểm hơn vì cơ thể mất máu nhiều…

- Đau bụng: Bệnh nhân có thể có cảm giác khó chịu, đau bụng, nôi ói…

- Dấu hiệu sốc: Sốc là dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết, thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh. Đặc biệt lúc trẻ đang sốt cao chuyển sang hết sốt và có thể xảy ra kể cả khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, mọi người dân hãy dành 10 phút mỗi tuần để diệt lăng quăng/bọ gậy và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1.Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng/bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các dụng cụ chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy.

2.Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

3.Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

4.Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xoa muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

5.Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.

Bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh. Khi bị mắc sốt xuất huyết hoặc nghi ngờ sốt xuất huyết hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám, tư vấn và điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.